7 thg 10, 2013

À RA THẾ

À RA THẾ

Mạng nhà ẩm ương , từ khi có bão số 2 đến nay sống chết không biết thế nào mà lường. Ngồi buồn đem tập "Thơ Đường" của Hạt Cát ra nhấm nháp, thấy các nhà thơ của ta tài quá. 

(Bìa trước tập "Thơ Đường"của Hạt Cát).
 (Tập thơ Đường của Hạt Cát, 200 trang. Chụp dưới ánh sáng đèn Xenon nên bị hồng hơn thật)

Đọc đến bài của Ngô Bích Kiều họa bài "Chôn vùi ký ức" thấy đề "Họa Loan Vận" thì ngớ người ra, lại càng khâm phục! Bởi theo phép họa của Thơ Đường luật mà NL được biết thì chỉ có họa Nguyên vận, đảo vận, hoán vận và tá vận. Nay có cả Loan vận thì chắc phải có Phượng vận, Long vận, Hổ vận... Phức tạp vậy. 


Rõ ràng là Loan vận trên blog Hạt Cát chứ NoiLieu không Nói Liều nha

Trên tập "Thơ Đường" của Hạt Cát cũng đề thế mà

Các cụ ... non nhà tôi đã dạy rằng:
Dân ta phải biết sử ta
Nếu mà không biết thì tra ... Gu gồ.
        Đến sử ta mà Google còn tỏ thì luật họa thơ đường chắc sẽ có. Thế là NL quyết vào mạng (bằng Dcom 3G cho chắc ăn mặc dù hơi tốn đồng hào). Tìm được bài khá hay nhưng cũng không có Loan vận, Phượng vận đâu cả. Hay là nhà thơ Ngô Bích Kiều đã học tập Đảng ta (vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác Lê Nin vào hoàn cảnh Việt Nam) tạo ra ngôn ngữ mới "Hán Anh Việt", sinh ra từ "Loan vận" (Hán Anh Việt) thay cho từ "tá vận" (Loan tiếng Anh hình như có nghĩa như là "tá" Hán Việt?). 
     Google đã chịu thì phải hỏi ... Hạt Cát thôi. Alô ngay cho Hạt Cát thì được biết đấy là "Loạn vận", có nghĩa là họa không theo vần luật nào cả. Kekekekekeke! Thì ra là thế.
      Thế nhưng đã down load cái bài giới thiệu về LUẬT HỌA THƠ ĐƯỜNG LUẬT, một bài viết rất công phu của HOÀNG THỨ LANG trên VIỆT NAM THI ĐÀN thì cũng phải tải lên đây để thi thoảng châm cứu và để ai thích thì xem.
Xin cảm ơn HOÀNG THỨ LANG và VIỆT NAM THI ĐÀN đã cung cấp cho NL tôi một tài liệu thú vị.      

       PHÉP HỌA THƠ ĐƯỜNG LUẬT(Tài liệu chép lại của VIỆT NAM THI ĐÀN)
1. CÁC THỂ THỨC HỌA THƠ ĐƯỜNG LUẬT

     Có 2 thể thức họa thơ Đường luật là: Họa Hạn Vận và Họa Phóng Vận.
1. HỌA HẠN VẬN:
      Họa hạn vận là phải theo sự hạn định trước. Người ta ra đề và cho vần nào thì mình phải dùng vần ấy. Thể Họa Hạn Vận nầy khác với thể Họa Phóng Vận, vì họa hạn vận không có bài xướng để dựa theo mà họa, hơn thế nữa, ta phải:
   
      - Diễn tả ý thơ theo đầu đề đã ra sẵn.
      - Dùng đúng 5 vần hạn định (trong 8 câu) và phải hạ vần đúng theo thứ tự đã hạn định.
Thí dụ: Cuộc thi thơ do học giả Phan Kế Bính tổ chức như sau:
   
      a. Ðầu đề (nội dung) là:
             Trống treo ai dám đánh thùng
          Bậu không ai dám dở mùng chun vô
   
      b. Năm vần hạn định theo thứ tự là: xô - cô - vô - ô - rô.
       Bài thơ sát với đầu đề, hạ đúng 5 vần hạn định, được giải nhất mà tác giả lại là một thiền sư chân tu !!! ... như sau đây:
Nào phải là ai dám giục xô
Thuận tình trước hết tự nơi cô
Có cho mới dám trao dùi đánh
Không hẹn nào ai đẩy cửa vô
Mảng sướng kể gì thân lễ nghĩa
Ham vui quên hết chuyện dâm ô
Thói hư thuần thước xưa còn lạc
Đừng học làm chi gióng nhảy rô


     Còn có một lối hoạ hạn vận rất khó. Hoàng Thứ Lang kể lại một câu chuyện như sau:
    Mùa Hè năm 1926, trong dịp thi sĩ Đão Sĩ Nhã đến thăm gia đình họ Phan ở Hưng Yên. Ông khách Đào Sĩ Nhã thách lão thi sĩ Phan Mạnh Danh làm một bài thơ Nôm Đường luật với các điều kiện sau:
      - Đầu đề: Xuân Khuê
      - Hạn 5 vần: chờ - hờ - thưa - tơ - thơ
      - Phải dùng 19 chữ: một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười, trăm, ngàn, vạn, đôi, cặp, nửa, trượng, thước, tấc.
    Sau đây là bài thơ Nôm hoạ hạn vận của lão thi sĩ Phan Mạnh Danh:
   Xuân Khuê

Một mong hai đợi bốn ba chờ
Mười hẹn đêm trăng tám hững hờ
Nửa gối năm canh gà gáy giục
Tấc mây sáu cánh nhạn tin thưa
Trăm lần cặp mắt đôi hàng lệ
Chín khúc bên lòng vạn mối tơ
Ngàn trượng thành sầu đo thước khó
Biếng đem bảy vẻ dệt nên thơ

                     Phan Mạnh Danh

2. HỌA PHÓNG VẬN
      Họa Phóng Vận là phỏng theo vần của bài xướng để họa lại mà các vần trong bài họa phải theo y như các vần trong bài xướng, còn ý nghĩa thì hoặc phụ theo cho rộng thêm, hoặc trái hẳn lại (phản đề).
     Họa phóng vận còn chia ra 4 hình thức là: Họa Nguyên Vận, Họa Đảo Vận, Họa Hoán Vận và Hoạ Tá Vận. 
   Họa Nguyên Vận: là họa đúng 5 vần của bài xướng và hạ vần cũng đúng y theo thứ tự như cách hạ vần của bài xướng. Trong cách họa nguyên vận thường thì có bao hàm họa ý (hoặc đối ý) và đối luật với bài xướng. Nếu không đối luật được thì cũng có thể họa luật.
   Họa Đảo Vận: là họa ngược thứ tự của 5 vần từ dưới lên trên, thay vì họa nguyên vận là họa từ trên xuống còn họa đảo vận là họa từ dưới lên.
   Họa Hoán Vận: là thay đổi thứ tự vị trí các vần của bài xướng tùy theo ý người họa, sắp xếp lại sao cho vần điệu nghe êm tai hơn cách sắp xếp của bài xướng.
   Họa Tá Vận: Tá vận là mượn vần. Họa tá vận là bài họa chỉ mượn 5 vần của bài xướng để làm một bài khác mà nội dung hoàn toàn không liên quan gì đến bài xướng cả. Cách họa này ngày nay hầu hết được người ta làm rất nhiều vì dễ làm.

CHÚ Ý QUAN TRỌNG:
    Trong thể thức Họa Vận, không được dùng trùng từ thứ 6 trong các câu có vần của bài xướng. Tức là không được dùng lại từ đứng trước của 5 vần bài xướng. Nói dễ hiểu là không được dùng lại chữ thứ 6 ở các câu 1-2-4-6-8 của bài xướng. Càng tránh dùng trùng từ trong toàn bài của bài xướng càng tốt, ngoại trừ những từ đặc biệt không thể tránh được.
Hoạ nguyên vận là phải dùng lại vần đồng âm đồng nghĩa của bài xướng. Nếu dùng vần đồng âm dị nghĩa là không đúng phép hoạ thơ Đường luật.
      - Hoạ nguyên vận (mượn vần): dùng vần đồng âm đồng nghĩa (và cùng từ loại)
      - Hoạ tá vận: dùng vần đồng âm dị nghĩa (và không cùng từ loại).

*đồng âm đồng nghĩa là cùng âm (the same sound) cùng nghĩa (synonym);
đồng âm dị nghĩa là cùng âm (the same sound) nhưng khác nghĩa (the difference meaning).
                                HOÀNG THỨ LANG
2. PHẦN QUAN TRỌNG TRONG HỌA THƠ
    Hoạ Thơ bao gồm 3 phần chính quan trọng sau đây:
     Đã có một bài thơ sẵn trước gọi là Bài Xướng. Bài xướng có thể chọn 1 bài đã có sẵn từ xưa, từ trước, hoặc 1 bài do 1 người khác làm trước "thách đố" cho người khác đáp lại. Người đáp lại thì bài reply đó gọi là Bài Họa. Bài họa phải có ít nhất 3 yếu tố quan trọng sau đây:
1. Họa vần:
       5 vần tức là 5 tiếng (chữ) cuối của các câu 1-2-4-6-8 mà người xướng đã ra như thế nào thì người họa phải theo đúng y chang 5 vần đó, không được vì bí hay kẹt mà sửa đổi. Chỉ cần sai 1 trong vần kể trên thì bài họa coi như bị hỏng, và như vậy gọi là bị Xuất Vận nghĩa là bị ra khỏi vần đã hạn định cho mình, dĩ nhiên bài họa đó bị lỗi (Fail).

2. Bài xướng nói lên ý (main idea) gì thì bài họa cũng phải nói lên ý đó hoặc tán rộng nghĩa ra thêm.
3. Bài xướng gieo luật gì thì bài họa phải đối lại luật đó (trong xướng họa có hàm nghĩa đối đáp). Thí dụ bài xướng luật trắc thì bài họa phải luật bằng và ngược lại.
     Ngoài ra bài họa có thể đối ý lại bài xướng, thí dụ bài xướng khen 1 vấn đề gì thì bài họa có thể chê vấn đề đó (gọi là phản đề, nhưng không bắt buộc).
    Tóm lại 3 yếu tố 1-2-3 là cần thiết cho 1 bài họa xuất sắc.
    Sau đây là một thí dụ về xướng họa điển hình để làm mẫu. Hai bài này nổi tiếng trong văn học Việt Nam.
    Bài Xướng:
TÔN PHU NHÂN QUI THỤC
(của Tôn Thọ Tường)
Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng
Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông
Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc
Về Hán trau tria mảnh má hồng
Son phấn thà cam dày gió bụi
Đá vàng chi để thẹn non sông
Ai về nhắn với Châu Công Cẩn
Thà mất lòng anh được bụng chồng
     Bài Họa:
TÔN PHU NHÂN QUI THỤC
(của Phan Văn Trị)
Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng
Mặt ngả trời chiều biệt cõi Đông
Ngút tỏa trời Ngô ùn sắc trắng
Duyên về đất Thục đượm màu hồng
Hai vai tơ tóc bền trời đất
Một gánh cương thường nặng núi sông
Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết
Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng


3. CHÚ Ý KHI HỌA THƠ
     Họa vần là sáng tác một bài thơ thường gọi là bài họa, dựa trên hệ thống vần của một bài thơ có trước thường gọi là bài xướng. 
     Thơ Đường luật có nhiều thể như thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, ngũ ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn bát cú. Nếu thể thơ thất ngôn bát cú thì toàn bài có năm vần là chữ cuối cùng của các câu 1, 2, 4, 6, 8. Những chữ vần thường là thanh bằng (có một số bài làm theo vần trắc, thì các chữ ở vị trí này là thanh trắc).
     Sau khi có bài xướng, người làm thơ họa sáng tác một bài khác, dùng lại đúng năm chữ vần của bài thơ xướng, với điều kiện chỉ dùng chữ cuối, không được dùng chữ kế cuối.
      Nếu dùng lại chữ kế cuối là phạm nguyên tắc "khắc lục", là lỗi cấm kỵ trong họa vần thơ Đường luật.
      Bài họa phải diễn đạt lại ý chính (nội dung) của bài xướng, không được lạc đề.
     Thường là bài họa phải đối luật với bài xướng, nếu bài xướng luật bằng thì bài họa phải luật trắc và ngược lại. Kẹt lắm mới làm bài họa đồng luật với bài xướng.
Thí dụ: 
     Bài xướng:
Vườn rau Cẩm Tú
Thầy cho xới lại mảnh vườn hoang
Cẩm Tú đem phân ủ mấy hàng
Củ cải gieo gần dây mướp đắng
Su hào tỉa cạnh gốc khoai lang
Thì là diếp cá lên muôn lối
Húng đổi cần tây mọc khắp đàn
Tứ phía rau xanh nhìn mát mắt
Tha hồ cải thiện bữa ăn...sang

                              Cẩm Tú
    Bài hoạ::
Vườn rau Cẩm Tú
Cẩm Tú gieo trồng mảnh đất hoang
Rau xanh thẳng tắp rất ngay hàng
Ngò om óng mượt bên giàn mướp
Húng quế thơm lừng kế luống lang
Bí rợ tần ô lên bít lối
Dưa leo ớt hiểm mọc đầy đàng
Chiều chiều đứng ngắm lòng thanh thản
Cuộc sống quê nghèo ngẫm lại...sang
                                                  Hoàng Thứ Lang
      Không được dùng lại chữ thứ 6 (chữ kế cuối) trong các câu cước vận (câu 1-2-4-6-8) của bài xướng và tất cả những bài đã hoạ trước. 5 chữ vần của bài hoạ không được khác nghĩa với 5 chữ vần của bài xướng. 
       Coi như bài hoạ là bản copy những nét căn bản về ý và vần của bài xướng, vì vậy bài hoạ phải cùng một tựa đề với bài xướng.
      Hoạ thơ Đường luật không đến nổi quá khó nhưng không phải dễ dàng như nhiều người đã lầm tưởng !
      Hoạ sai một vần gọi là xuất vận: không được.
      Hoạ sai nghĩa một vần gọi là xuất ý: không được.
                                  HOÀNG THỨ LANG


4. HÀM Ý TRONG XƯỚNG HỌA
     Xướng hoạ thơ Đường luật là có hàm ý đối hoạ ở trong đó.
      Người ta xướng ra mình phải đối đáp lại, vì vậy nếu chỉ một bài xướng và một bài hoạ thì bài hoạ bắt buộc phải đối luật với bài xướng.
     Thí dụ bài Tôn Phu Nhân Qui Thục xướng của Tôn Thọ Tường, hoạ của Phan Văn Trị.
    Trường hợp bất khả kháng không thể đối luật được thì có thể châm chế hoạ đồng luật, nhưng bài hoạ đồng luật sẽ bị giảm giá trị vì không đáp ứng đúng thể thức xướng hoạ đúng cách.
     Bắt đầu những bài hoạ sau đó (nếu có) thì có thể dùng luật gì cũng được.
      Hoạ thơ là "vẽ lại" hình ảnh của bài xướng cho nên phải trung thực với bài xướng về ý cũng như vần.
     Hoạ sai ý bài xướng là không đạt.
     Hoạ sai bất cứ chữ vần nào của bài xướng gọi là xuất vận: không đạt. Xuất vận là đi ra khỏi sự hạn định về vần của bài xướng.
     Hoạ sai nghĩa bất cứ chữ vần nào của bài xướng gọi là xuất ý: không đạt. Xuất ý là đi ra khỏi ý nghĩa chữ vần của bài xướng.
     Hoạ thơ Đường luật đúng cách rất khó.
     Khi bạn bè (thi hữu) chung vui xướng hoạ với nhau, có thể dùng thể thức Hoạ Tá Vận (tức là mượn vần) để hoạ những vần tử vận và tử ý. Cách nầy không đạt nhưng cốt là để cùng nhau vui vẻ mà thôi. Nhưng cũng không nên đi xa thi đề (nội dung của bài xướng). Thí dụ bài Cảm Vịnh Cây Mai xướng của Tôn Thọ Tường, hoạ của Đông Hồ.
     Lấy thí dụ tử vận xót xa không thể nào hoạ nguyên vận theo chính hoạ được. Chúng ta có thể hoạ tá vận (mượn vần) theo bàng hoạ là xa xa, từ xa, đàng xa v.v... chẳng hạn. Dĩ nhiên là sai nghĩa của chữ xót xa rồi (bởi vậy mới bị xuất ý: không đạt), nhưng cốt để cùng nhau vui vẻ mà thôi.
     Thông vận, bàng đối và bàng hoạ... không xuất sắc.
    Làm thơ, nếu dùng thông vận thì nên dùng cận vận mà không nên dùng viễn vận. Viễn vận và cưỡng vận không hay, hạn chế dùng.
                                   HOÀNG THỨ LANG
5. NHỮNG BÀI THƠ MINH HỌA CHO CÁC THỂ THỨC HỌA THƠ
1. HOẠ HẠN VẬN:
Thí dụ:
- Hạn đề:
"Trống treo ai dám đánh thùng
Bậu không ai dám dở mùng chun vô"
- Hạn vận:
Xô - Cô - Vô - Ô – Rô
Bài họa:
Nào phải là ai dám giục xô
Thuận tình trước hết tự nơi cô
Có cho mới dám trao dùi đánh
Không hẹn nào ai đẩy cửa vô
Mảng sướng kể gì thân lễ nghĩa
Ham vui quên hết chuyện dâm ô
Thói hư thuần thước xưa còn lạc
Đừng học làm chi giống nhảy rô


2. HỌA PHÓNG VẬN:

Thí dụ 1:
a. Họa nguyên vận:

Bài xướng:
TƯƠNG TƯ
Tương giang hai đứa ở hai nơi
Uống cạn dòng sông nhớ trọn đời
Chỉ thắm xe lơi người mộng hỡi
Tơ hồng buộc lỏng bạn lòng ơi
Vần thơ nức nở mi nhòa lệ
Nét chữ run run ý cạn lời
Định số an bài mang khổ hận
Đêm trường thổn thức máu tim rơi
                     Hoàng Thứ Lang
                               11/8/05

Bài họa:
TƯƠNG TƯ
Mỏi gót phiêu bồng khắp mọi nơi
Về đâu trên vạn nẻo đường đời
Mưa buồn đổ mãi mưa buồn hỡi
Tuyết trắng rơi hoài tuyết trắng ơi
Muốn nhắn đôi câu mà nghẹn ý
Mong trao mấy tiếng lại ngăn lời
Dòng sông ly biệt nào chia lối
Ngắm dải Ngân Hà đếm lệ rơi
              Hoàng Thứ Lang . 11/8/05


b. Họa đảo vận:
Bài xướng:
TƯƠNG TƯ
Tương giang hai đứa ở hai nơi
Uống cạn dòng sông nhớ trọn đời
Chỉ thắm xe lơi người mộng hỡi
Tơ hồng buộc lỏng bạn lòng ơi
Vần thơ nức nở mi nhòa lệ
Nét chữ run run ý cạn lời
Định số an bài mang khổ hận
Đêm trường thổn thức máu tim rơi
                      Hoàng Thứ Lang (11/8/05)
Bài họa:
TƯƠNG TƯ
Lất phất bên thềm tuyết trắng rơi
Niềm riêng ấp úng chẳng nên lời
Hai hàng lệ tủi than trời hỡi
Một áng thơ sầu khóc bạn ơi
Rẽ yến chia oanh hờn số kiếp
Lìa loan rã phụng lỡ duyên đời
Sông Tương uống cạn dòng thương nhớ
Giang vĩ giang đầu đứa mỗi nơi
                       Hoàng Thứ Lang
11/8/05
c. Họa hoán vận:

Bài xướng:
TƯƠNG TƯ
Tương giang hai đứa ở hai nơi
Uống cạn dòng sông nhớ trọn đời
Chỉ thắm xe lơi người mộng hỡi
Tơ hồng buộc lỏng bạn lòng ơi
Vần thơ nức nở mi nhòa lệ
Nét chữ run run ý cạn lời
Định số an bài mang khổ hận
Đêm trường thổn thức máu tim rơi

                     Hoàng Thứ Lang
11/8/05

Bài họa:
TƯƠNG TƯ
Gởi gió nhờ mây nhắn mấy lời
Trao người yêu dấu của tôi ơi
Đường mơ vạn nẻo đành riêng lối
Bến mộng đôi bờ phải khác nơi
Bóng chiếc phòng đơn sầu lệ đổ
Đèn khuya gác vắng tủi châu rơi
Ai xui hai đứa mình dang dở
Chẳng trọn cùng nhau suốt cuộc đời
                     Hoàng Thứ Lang

                              11/8/05

d. Họa tá vận (mượn vần):
(Đây chính là họa Loan Vận?)

Bài xướng:

TRUNG THU
Trăng thu toả sáng nhớ xa xăm
Tháng tám chờ trông đến bữa rằm
Mẹ dán lồng đèn chơi suốt sáng
Cha làm trống ếch đánh quanh năm
Xa rồi cảnh cũ lòng se lạnh
Tiếc mãi ngày xưa lệ ướt dầm
Chiếc lá chao mình trong gió sớm
Nghe chừng vọng lại thoáng dư âm

                       Hoàng Thứ Lang
Bài họa:
XIN XĂM
Mẹ dẫn lên chùa để thỉnh xăm
Hôm nay trăng sáng đúng đêm rằm
Cầu xin phúc lộc vào nguyên tháng
Khấn nguyện bình an đến trọn năm
Giữa Hạ oi nồng đừng nắng gắt
Trung Thu mát mẻ chớ mưa dầm
Đưa tay vói rút ồ hên quá
Thượng thượng ngon lành chẳng bị âm

                      Trâm Anh
                        HOÀNG THỨ LANG

                    (Việt Nam Thi đàn) 


11 nhận xét:

  1. Ba lần sang... đọc chả xong
    Thôi mang về để nằm lòng... nhâm nhi!
    Anh chịu khó sưu tầm thế . Em chả biết cái gì... như thầy bó mù sờ voi...hihi .............

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nói khiêm tốn nhiều quá ta. Thơ Đường của Cát có tới 105 bài xướng họa, cũng thuộc diện VÔ ĐỊCH đấy

      Xóa
  2. Họa thơ Đường chị Hạt Cát thì em chịu, em chỉ họa được thơ vi vu của chị Cát thôi Bác ạ!
    Ví dụ:
    Họa bài thơ chỉ anh của Hạt Cát

    Mình anh

    Sao chỉ mình anh
    Nửa vòng tay đủ ôm vành cối xay?
    Gầu giai
    Thương cái gầu giai
    Bờ cao cán ngắn hôm mai nhọc nhằn
    Trách ai
    Lỗi hẹn gầu sòng
    Để cho trăng khuyết giữa dòng mương quê
    Mùng tơi
    Cái dậu mùng tơi
    Ai rào lại lối ngăn nơi tỏ tình
    Chúng mình
    Hai đứa chúng mình
    Làm cho vắng tiếng thập thình trong đêm
    Chỉ anh
    Lẻ bóng trăng đêm
    Ngất ngây chén rượu bên thềm cùng trăng.
    Quốc Dũng
    Anh xem BÀI THƠ TRÊN có ĐƯỢC COI LÀ HỌA THƠ KHÔNG?

    Trả lờiXóa
  3. Họa thơ Đường thì có luật còn họa thơ tự do thì cứ tự do. Ví như người ta tả con mèo, mình tả cái... tàu thủy chắc cũng được a!
    He he cứ vịnh cái cối xay cho vui. Chúc Hảu Âu mọi điều tốt lành.

    Trả lờiXóa
  4. Thầy Nói Liều của trò ngốc BD thật siêu phàm
    Vui khỏe tuần mới thầy nhé ! (~_~)

    Trả lờiXóa
  5. Trả lời
    1. Úi, nhà thơ lớn+Nhà kinh tế vĩ mô mà hãi cái luật cổ 15 thế kỉ sao?

      Xóa
  6. Đọc thơ HC thì thích vậy thôi chứ ngâm kíu kỹ như cụ thế ni thì iem chịu ạ!

    Trả lờiXóa
  7. Thầy ạ.. Xin đính chính lại là Ngô Bích Kiều ghi sai dấu. Đúng ra là họa Loạn Vận.


    Thứ nhất về nguyên tắc họa thì bạn phải họa đúng vận, ít nhất 5 vận cuối của câu, tức là từ cuối của các câu 1,2,4,6,8 . trong trường hợp bạn bỏ đi 01 vận trong bài họa thì người ta gọi là họa thoát vận-lưu ý chỉ tối đa thoát đi một vận, trong trường hợp bạn họa nhưng các vận không theo thứ tự như bài xướng mà có thể tùy tiện miễn sao là đủ vận thì người ta gọi là họa loạn vận. Trong trường hợp bạn họa đủ tám vận cuối của tám câu thì người ta gọi họa nguyên vận, trong trường hợp bạn mượn vận của bài xướng nhưng họa đề tài bài họa có đề tài khác bài xướng thì người ta gọi là họa nương vận. Thứ hai về niêm-luật bạn phải tuân thủ đúng luật bằng trắc, bạn có thể tham khảo luật thơ (có hướng dẫn rất nhiều trên mạng), nhưng nguyên tắc căn bản trong thơ thất ngôn bát cú Đường luật là ” Nhất, tam, ngũ bất luận”,” nhị lục bát phân minh” nghĩa là từ số 1,3,5 ” Nhất, tam, ngũ bất luận” trong tất cả các câu của bài thơ thì có thể không cần tuân thủ theo luật bằng trắc, còn từ số 2,4,6, 8 ” nhị lục bát phân minh” thì phải tuân thủ đúng theo luật bằng trắc.

    Trả lờiXóa
  8. Thank đã chỉ dẫn hứu ích.

    Trả lờiXóa