8 thg 4, 2014

VUA HÙNG, KHI NÀO?

VUA HÙNG, KHI NÀO?

      UNESCO đã cấp bằng xác nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” vào dịp giỗ tổ Vua Hùng năm 2013, và người Lao động Việt Nam đều được nghỉ một ngày (10-3 âm lịch) theo luật Lao động của CHXHCNVN từ năm 2007 là ngày giỗ tổ Vua Hùng. Thế nhưng nhiều câu hỏi vấn vít trong đầu óc những người tỉnh táo rằng: Vua Hùng có thật trong lịch sử không, nếu là thật thì có từ khi nào? 4894 năm (2622+258+2014) về trước hay ~2700 năm (2014 + 682)? Cả một hệ thống các nhà sử học, khảo cổ học, ngôn ngữ lịch sử học trong và ngoài nước đã làm việc hết mình để trả lời câu hỏi này.
     Để thỏa mãn người đọc không thích đọc, xin tóm tắt thế này:
1) Vua Hùng là có thật. Không nói đến khảo cổ và truyền thuyết thì sách vở của người Hán, người Việt đã xác định điều: trước khi người TQ xâm chiếm nước Việt, ở đấy đã có một ông vua cai quản đất nước này.
    a) Sách “Giao Châu ngoại vực ký” được Lê Tắc trích dẫn vào “An Nam chí lược” của mình, trong mục “Cổ tích” có viết: “Hồi xưa, chưa có quận huyện (tức là khi phong kiến TQ chưa xâm lược đất Việt) thì Lạc Điền tùy theo thủy triều lên xuống mà cày cấy. Người cày ruộng ấy là Lạc Dân, người cai quản dân gọi là Lạc Vương, người phó là Lạc Tướng… Vua nước Thục thường sai con đi chinh phục các Lạc, nhân đó cứ giữ đất Lạc mà tự xưng là An Dương Vương…
     “Giao châu ngoại vực ký” là bộ sách không còn nữa nhưng các sách vở trích từ “Giao châu Ngoại vực ký” như “Thủy Kinh chú” (Lịck Đạo Nguyên, 466 – 527, Bắc Ngụy), “Tự trị thông giám (Tống)… chép lại, chứng tỏ là tài liệu có thực). An Nam chí lược của Lê Tắc cũng ít được nhắc đến vì đó là tác phẩm của “tên Việt gian, tay sai của Trần Ích Tắc bán nước).
      Ở nơi là đền Hùng ngày nay, An Nam chí (thời triều Minh TQ - 1419) nói có “cung cũ của Lạc Vương”, đồng thời cũng nhắc đến Hùng Vương ở các văn đoạn khác.
     Tên Hùng Vương cũng được nhắc đến khoảng thế kỉ V trong sách Nam Việt chí của Trung Quốc.
      Chữ Lạc trong (Âu) Lạc, Lạc (Vương) trong văn bản chữ Hán tuy được viết theo nhiều kiểu khác nhau: 駱 (Sử ký Tư Mã Thiên) 雒 (Thủy Kinh Chú), 貉 (Lạc Long Quân) nhưng cùng mang một nôi dung chứng tỏ đấy là một từ bản địa được phiên âm sang tiếng Hán mà không phải tác giả người Hán tự đặt ra. (Người ta đã “thống nhất tán thành” trong một hội thảo rằng “Lạc” là phiên của từ “nác” thời Hùng Vương, là “nước” như “nước lã”, “nước sôi” ngày nay, nhưng quên mất rằng người Hán không có tật nói ngọng “lờ” , “nờ” như người “Hà Lội” và để phiên âm từ “nác” (Việt) thì người ta đã có từ Hán “nặc 匿 (trong nặc danh: dấu tên” hay nặc 諾 trong nặc ngôn: lời hứa) gần gũi hơn “Lạc” chứ. “Lạc” là âm Hán Việt, cứ coi như âm HV là âm Hán đời Đường, nhưng chữ này được viết ra từ thời Hán (Tư Mã Thiên, Hoài Nam Tử chẳng hạn) thì âm Hán là gì khó mà xác định được, chỉ biết rằng tất cả các chữ “lạc” này đều được hài thanh bởi chữ “các 各” mà chữ “các” lại còn hài thanh cho chữ “Khách 客”, … nên nó phải là từ đa âm như ckhac (cờkhơ) hay khcac (khờcơ)… Nếu lưu ý đến tính lịch sử của ngôn ngữ và thuận với ngữ cảnh ghi trong Giao Châu Ngoại vực ký – (Thủy kinh chú, Lịck Đạo Nguyên, 466 – 527 chép lại) thì chữ Lạc (bính âm hiện nay là luo) ghi âm cho từ ló (tiếng Việt cổ), lúa (Việt Nam) là hợp lý hơn, ta có lạc điền là ruộng lúa, lạc dân là dân (trồng) lúa… Lạc vương là vua (vùng đất trồng) lúa…
     Không tán thành với các nhà sử học hễ chỗ nào không giải thích được thì cho là chữ viết nhầm, viết sai, có người đã đề xuất rằng ở đất Việt ta có hai vua: Lạc Vương là ông vua cai trị dân trồng lúa (Lạc dân) miền đồng bằng và Hùng Vương là ông vua miền trung du (Phú Thọ…) của người Tày Thái (sử Tàu gọi là người Liêu, sử gia ta như Trần Quốc Vương dịch trong Đại Việt sử ký toàn thư là người Lạo – những dân tộc thiểu số sống bằng nghề săn bắn hái lượm, trồng lúa nương du canh.., đến thời Lý Trần còn sinh sống ở Thanh Oai ngày nay). Một thực tế không thể phủ nhận là dòng họ Ma (mà bây giờ gọi là họ Mè) thường tự nhận là dòng họ vẫn thờ cúng vua Hùng lâu đời nhất và là dòng họ con cháu của vua Hùng.
2) Hùng Vương, Tại sao?
     Nếu không phải là hai vua Lạc và Hùng khác nhau thì tại sao lại là 18 đời Hùng Vương? Có người nói vì Ông vua đầu (Kinh Dương Vương) làm vua ở tận Hồ Động Đình (gồm toàn bộ đất Bách Việt từ phía Nam sông Trường Giang) bao gồm cả đất Sở mà Sở Vương họ Hùng thì vua ta cũng là Hùng Vương, nhưng sử gia Tạ Chí Đại Trường cho biết: Đếm đi đếm lại chỉ thấy trong sử nước Sở có 17 vua Hùng thôi. Lại nữa: Trong ĐVSKTT, phần Ngoại sử (Quyển V, trang 1b ĐVSKTT 1697) có viết: Năm 605, … Tùy Dạng Đế nghe nói Lâm Ấp có nhiều báu lạ, cho Lưu Phương làm Giao Châu đạo hành quân tổng quản đem quân đánh Lâm Ấp … lấy được 18 bộ thần chủ trong miếu đếu đúc bằng vàng (tức là 18 đời vua)… Như thế đến TK VII, nước Lâm Ấp đã có 18 đời vua, lẽ nào ta kém họ? cho nên mới có 18 đời vua Hùng, nhưng các sử gia đời Trần – Hậu Lê sáng tạo ra 18 đời vua Hùng trong 2622 năm khiến cho sau này Vũ Kim Biên phải vất vả bịa ra mỗi ông vua trị vì những hơn 100 năm và sống tới 500 tuổi, làm cho cả thế giới phải trố mắt mà khâm phục các nhà văn hóa Việt Nam giàu sức sáng tạo.
3) Hùng Vương, khi nào?
     Kinh Dương Vương thì làm vua nước Xích Quỷ ở tận Hồ Động Đình nhưng các vua Hùng, theo sách vở nho sĩ Việt thế kỉ XIV và sử chính thức đều xác định thuộc Phong Châu trên đất Việt chứ không phải ở hồ Ðộng Ðình nữa, điều đó có vẻ xác nhận rằng hai sự kiện Âu Lạc và Hùng Vương là ghép từ hai dòng truyền thuyết của hai địa phương khác nhau. Nguồn gốc phân hai như thế đã dẫn đến sự tranh giành thứ bậc ai làm “ông tổ Việt”. Sử quan Nguyễn đã cãi nhau nên đặt Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân là “vua mở đầu nước Việt” hay là Hùng Vương? Hùng Vương thắng thế là nhờ lời quyết định của Tự Ðức. Ngay cả ngày nay, danh vị “Quốc tổ” cứ tùy từng lúc, từng người đề cập mà xoay quanh các ông Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương đến chóng mặt…. (Trích của Tạ Chí Đại Trường).
    Một lời giải hợp lý hơn là đoạn sử trích từ Việt Sử lược (Viết khoảng TK XIV triều Trần, được Trần Quốc Vượng (bản viết tay) đưa về từ tứ khố thư ở Trung Quốc: “Ðến đời Trang Vương nhà Chu (692-686 tCn.) ở bộ Gia Ninh có người lạ dùng xảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang… truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương”.
     Các nhà sử học Việt Nam đang còn ngần ngại với cái tuổi Bốn ngàn năm văn hiến có 18 vua Hùng, mỗi ông cai trị khoảng 150 năm, nhờ Trần Quốc Vượng mà có được ông Hùng Vương trẻ hơn, (18 đời vua, 424 năm = 682-258, trung bình mỗi ông vua trị vì 23,5 năm, khá hợp lý đấy, NL chú thích) ! Tuy nhiên blogger Quach Hien gần đây lại lôi ra bản chữ in gốc của Trung Hoa, chỉ ra một chữ khác, đọc theo Hán Việt và viết ra quốc ngữ là ÐỐI 碓 Vương. Cả trên trang in lại của ông Ngô Văn Thịnh, nhân việc dịch Ngọc phả đền Hùng, cũng cho thấy đó là chữ “đối 碓” với nghĩa là cái cối (giã gạo)… Hoàng Hải Vân (Trung Quốc 2008, dẫn theo Nguyễn Phúc Anh, Ðặng Quỳnh Trang 2011) cho rằng đó là sai lạc từ chữ “lạc 雒” (bộ Các) mà ra, hình như để chúng ta ngầm hiểu “lạc 雒” là gốc, phát sinh ra “hùng 雄”, “đối 碓”, và do đó Hùng Vương mới có mặt trong bản sao của Trần Quốc Vượng. Vậy thì câu chuyện “Hùng Vương ở bộ Gia Ninh” còn phải mắc nghẽn qua một giả định chuyển đổi tự dạng (Trích của Tạ Chí Đại Trường).
4) Cúng giỗ vua Hùng, khi nào?
     Theo Giáo sư Tiến sĩ Ngô Ðức Thịnh trong cuộc Hội thảo Phú Thọ 2013 thì: “Từ thời đại các vua Hùng đến nay, các danh xưng Lạc Long Quân – Âu Cơ, Quốc tổ Hùng Vương, Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Ðồng Tử – Tiên Dung đã trở thành các biểu tượng của lịch sử – văn hoá dân tộc, trong đó chứa đựng hệ ý thức quốc gia dân tộc đầu tiên của nước ta, dân tộc ta. Ý thức đó hẳn đã tồn tại trong tiềm thức của người Việt cổ, dù trải qua một nghìn năm Bắc thuộc vẫn không phai mờ. Chính vì vậy ngay từ khi phục hồi nhà nước tự chủ cuối thế kỉ X, các triều đại độc lập đầu tiên đã nâng việc thờ vua Hùng thành Quốc tế (?)…”
     Thực tế lịch sử thì không như ông Giáo sư này tự sướng: Từ nhà Đinh cho đến triều Trần người ta không thấy bóng dáng ông Hùng Vương nào trong các bảng phong thần của triều đình, trong khi triều Lý, Trần phong vương rồi đại Vương cho An Dương Vương, bê cả ông thần núi Đồng Cổ ở Thanh Hóa ra thờ ở Thăng Long, đưa nữ thần Chiêm Thành cả Linga, Iony bà "Banh" (sau gọi trại đi là bà Đanh) về thờ ở kinh thành thì cũng không thấy danh mục nào nhà nước thờ cúng Vua Hùng. Ngay cuốn Đại Việt sử ký của Lê văn Hưu đời Trần (TK 13) cũng không chịu đưa vua Hùng vào vì cho rằng người viết sử nghiêm túc không đưa những truyền thuyết hoang đường vào sử. Vua Hùng suốt 4 triều đại độc lập tự chủ (Đinh, Lê, Lý, Trần) vẫn chỉ là ông thần làng xã và chỉ có người làng xã sở tại biết đến và thờ cúng. Mãi đến TK 14 trong các cuốn sử “tư nhân” như Việt sử lược của Sử Hy Nhan (vốn họ Trần được vua cho đổi họ) và Trần Chu Phổ rồi Việt Sử cương mục của Hồ Tông Thốc thì Vua Hùng mới có nét rõ ràng trong lịch sử.
    Năm 1470, vua Lê Thánh Tông cho gọi trưởng tộc vùng Hy Cương (đền Hùng) về kinh, cho tiền cho ruộng để lập đền thờ vua Hùng, lại cho một ông Tiến sỹ viết ngọc phả Hùng Vương, từ đó Vua Hùng mới được nhà nước công nhận và có đường vào chính sử (ĐVSKTT).
     Thế nhưng việc thờ cúng vua Hùng vẫn chỉ ở cấp làng xã.
     Trên Tấm bia đá 1923 “Hùng miếu kỉ niệm bi” (Văn khắc Hán Nôm 1992: 580) ghi rõ chuyện trùng tu đền Hùng lần đầu năm 1909 tốn 2000 đồng công quỹ, tiếp theo có việc sửa đền Thượng năm 1915, cuối cùng là năm 1921 (Khải Ðịnh thứ 6) với công trình lớn “dựng 7 gian quán, sửa giếng, tạo chính tẩm, bái đường, sắm tế khí (tổng cộng tổn phí?) hết 2125 đồng 8 hào, 41 tiền (xu?)”. Về ngày lễ, bia 1923 ở đền Thượng (“Hùng miếu điển lệ bi”, Văn Kim Chung 2008, Trịnh Sinh 2011*) ghi rõ: “Tục lệ dân xã (Hi Cương, phủ Lâm Thao) lấy ngày 11-3 kết hợp với việc thờ thổ kì, làm lễ riêng. Từ nay lấy ngày 10-3… phụng mệnh kính tế trước một ngày”. 
    Vậy ngày lễ Giỗ với câu ca dao: 
          “Dù ai đi ngược về xuôi
   Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba” 
       chỉ mới bắt đầu sớm nhất là năm 1923 đó, đến nay là có tuổi vừa đủ Chín mươi, đâu được như ông GSTS tự sướng tới 6 thế kỷ?
5) Vua Hùng, có mấy vua Hùng?
      Có 18 vua Hùng nhưng tên tuổi thì không có.
     Theo nhà sử học Tạ Chí Đại Trường: …“Các ông vua Hùng sơ khởi chỉ được đếm theo mấy con số thôi. Tình trạng gọi tên vua theo số này, kéo dài đến đầu nửa sau thế kỉ XVI (Dương Văn An 1555) mới thêm một ông thứ Mười Ba, ngẫu nhiên, không nệ đến sự kiêng cữ của người Tây. Nói khác đi, các ông vua Hùng lúc đầu không có tên, thua cả bất cứ thằng bé nào ở nhà quê xứ Việt, nói gì đến thuỵ hiệu, niên hiệu, miếu hiệu giống các ông vua theo truyền thống văn hoá Trung-Việt khác. Mãi đến năm được ghi chép là 1572, có ông Nguyễn Bính còn ở xứ Thanh của nhà Lê chưa phục hưng mới đưa ra hai thuỵ hiệu Hùng Hiền Vương và Hùng Duệ Vương, mà cũng không thấy nêu thứ bậc. (Về các thuỵ hiệu trong Ngọc phả thì nơi có nơi không, cùng thuỵ hiệu không cùng thời đại, lẫn lộn cách đọc, ví dụ ông Ngô Ðức Thọ cho ông thứ 18 là Hùng Tuyền Vương, còn Bùi Quang Hùng thì nhất định đọc là Duệ Vương). Ngay đến sự đặt tên này cũng chỉ thấy trên bia đá chứ không ghi vào sử nhà nước. Không thấy có thêm một tên nào khác, ngay cả trên các bia khắc vào thời Nguyễn muộn (1889, 1907, 1910).
     Thế mà Ty văn Hóa Phú Thọ dám cho Vũ Kim Biên xuất bản cuốn sách có đủ tên, hiệu miếu hiệu, số vợ, con của các Vua Hùng rồi được lập tượng ở Pleiku với các bảng hiệu rất chi tiết nhưng toàn chứa các danh từ Hán Việt (mà thời vua Hùng thì Việt Nam ta đâu đã giao lưu với Tàu để có các từ Hiền Vương, Duệ Vương, Quốc Vương...). Thật là sáng tạo vĩ đại của TK 21!
     Đối với mấy ông bà già cả thì chuyện “Vua Hùng, khi nào?” là quan trọng, nhưng với một số con cháu mình thì “mười tám đời vua Hùng, hai ngàn sáu trăm năm hay tám mươi đời vua Hùng sáu ngàn hai trăm năm không quan trọng, quan trọng là ngày mai 10 tháng 3 âm lịch, chúng được nghỉ học, nghỉ làm việc mà vẫn có lương!
    Giá nhà nước cho nghỉ thêm một ngày giỗ ông vua Lạc (Lạc Long Quân chẳng hạn (dựng ruộng lúa) nữa thì hay biết mấy!
Tài liệu tham khảo:
1) Đại Việt sử ký toàn thư, bản in năm Chính Hòa 18 (1697);
2) Thần, Người và Đất Việt của Tạ Chí Đại Trường, 2004;
3) Các triều đại Việt Nam của Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng
4) HÙNG VƯƠNG và UNESCO… Tạ Chí Đại Trường 2013.

5) An Nam chí lược của Lê Tắc.

4 nhận xét:

  1. Nhân giỗ Tổ Hùng Vương, Sang nhà Ngựa anh đọc xuất xứ cũng đã bét mắt ra rồi, huống hồ Ngựa anh đã có công sưu tầm lại. Cám ơn Ngựa anh với những thông tin bổ ích đáng quý!
    Chúc Ngựa anh cùng gia đình ngày giỗ Tổ đông vui...

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn Ngựa em đã chiếu cố đến thăm nhà.

    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn anh đã cung cấp những tư liệu lịch sử quý giá.

    Trả lờiXóa
  4. "dùng xảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương" Đoạn này rất thú vị nếu đọc kỹ một chút. Như vậy vua khởi nghiệp của Việt Nam làm một ông thày mo, dùng xảo thuật để tập hợp và thống nhất lực lượng chứ không dùng vũ lực như các dân tộc khác để mở nước, thể hiện truyền thống của dân tộc?

    Trả lờiXóa