9 thg 9, 2015

3A QL NHỮNG LẦN THĂM THÀY NGUYỄN TOÁN

  3A QL NHỮNG LẦN THĂM THÀY NGUYỄN TOÁN



Lời NoiLieu: Từ khi biết thày Nguyễn Toán của chúng tôi bị ung thư phúc mạc (màng bụng) chúng tôi rất quan tâm đến sức khỏe của thày, đã mấy lần đến thăm thày dù thày đã chuyển nhà hai lần và đến chỗ khá xa với trung tâm Hà Nội. Video sau đây ghi lại những hình ảnh đó. Xin giới thiệu cùng quý cụ và các quý bạn blogger



Ghi chú: Tôi đã đăng viđeo này lên FB và share vào trang  FB của thày. Đã nhận được eMail cảm ơn và điện thoại của thày. Giọng thày giáo của chúng tôi vẫn khỏe chắc. Mừng!

8 thg 9, 2015

CỤ TẠ ĐÌNH ĐỀ : HUYỀN THOẠI VÀ CHUYỆN THỰC

CỤ TẠ ĐÌNH ĐỀ :

HUYỀN THOẠI VÀ CHUYỆN THỰC 
(Nhân ngày sinh lần thứ 98 của cụ TẠ ĐÌNH ĐỀ và Nguyen Viet Thangđăng tải bài viết về cụ Đề)

Lời NoiLieu: Đối với học sinh QL lớp bé chúng tôi, cái tên Tạ Đình Đề đã trở thành huyền thoại, trở thành niềm tự hào và mơ ước khát khao về một tài năng của người Việt Nam, của lớp thiếu niên ngày ấy. Tháng 8 năm nay, kỷ niệm 98 năm ngày sinh của cụ, NL xin trân trọng giới thiệu với các bạn học sinh QL, các con cháu cụ HĐÂ và các bạn FB những hiểu biết ít ỏi của mình về thần tượng một thời của chúng tôi



Cụ TẠ ĐÌNH ĐỀ (còn có tên là LÂM GIANG) sinh 8 tháng 8 năm 1917 tại Hà Tây (cũ) – mất 17 tháng 1 năm 1998 tại Hà Nội. Cụ quê thôn Đại Định, xã Tam Hưng, Thanh Oai, thành phố Hà Nội.
.

I. CỤ TẠ ĐÌNH ĐỀ VÀ NHỮNG HUYỀN THOẠI 
       Dạo học ở trường QL, học sinh được hưởng chế độ "Thứ 7 bánh bao, xi nê''; Tối thứ tư nếu không phải tự học thì chúng tôi vác ghế đến nhà ăn các thày cô để nghe kể chuyện. Chúng tôi rất thích những mẩu chuyện về tình báo áo xanh của Liên xô trong Thế chiến thứ hai, về Giăng văn Giăng (trong bộ tiểu thuyết khổng lồ "Những kẻ khốn nạn - sau này được nhóm Lê Quý Đôn dịch và đổi tên lại là Những người khốn khổ) mà thày Quý kể cho khối học sinh lớp 3 nghe. Rất khâm phục về tài năng của những người tình báo Xô Viết trong phim ảnh, rồi đến những người chiến sỹ Giải phóng quân Trung Quốc hai tay hai khẩu Pạc khoọc vừa chạy vừa bắn lại quân địch. Có ai đó nói với chúng tôi: Việt Nam ta có "ông" Tạ Đình Đề còn bắn giỏi hơn thế nhiều. Rồi tôi được nghe kể những câu chuyện về tài bắn súng ngắn của chú Tạ Đình Đề, về mưu trí của người gián điệp Mỹ "sau về hàng ta". 
1. Chuyện cụ thi bắn với gián điệp người Hán:
        Người ta kể rằng khi thi tốt nghiệp trường gián điệp Mỹ ở TQ, nhà trường cho học sinh gián điệp vào một phòng kín, tối om, phát cho mỗi người ba viên đạn để tiêu diệt nhau, ai sống sót thì được coi là tốt nghiệp. Các học viên gián điệp bắn nhau loạn xạ rồi chết hết, chỉ có Tạ Đình Đề và một cô gián điệp người Hán (nghe đâu sau này là vợ ba của Mao Chủ tịch) còn sống sót, Cô gián điệp này bị thương nhẹ, Tạ Đình Đề không trúng viên đạn nào được đỗ đầu trường, được cử sang Mỹ học tiếp để thành Siêu điệp viên. Chuyện nghe thật vô lý nhưng chúng tôi cũng thấy khoái vì người Việt Nam ta giỏi quá, hơn hẳn gián điệp đặc vụ của Tưởng Giới Thạch, lại bắn bị thương vợ ba của Mao Chủ tịch nữa... Sau khi tốt nghiệp lớp Siêu điệp viên ở Mỹ, Tạ Đình Đề được cử về Việt Nam để ám sát cụ Nguyễn Ái Quốc nhưng vừa thấy cụ Nguyễn Ái Quốc, Tạ Đình Đề đã bị cảm hoá và đầu hàng cách mạng. Thế mới có câu ca: 
                 Hoan hô đại tướng Võ Nguyên
                Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về.
                 Hoan hô ông Tạ Đình Đề 
                 Trước là Gián điệp sau về hàng ta
                 Hoan hô ông Lê Quảng Ba ...
                 Trước là thổ phỉ sau ra với mình ...

2. Chuyện cụ Tạ Đình Đề làm bảo vệ Bác Hồ
         Sau khi được Bác Hồ cảm hoá, chú TĐĐ tình nguyện làm bảo vệ cho Bác. Có một lần, trong kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ mặc bộ quần áo rách mà bẩn để chuẩn bị đi dự một hội nghị quan trọng, TĐĐ và những người thân cận khuyên Bác thay bộ quần áo khác nhưng Bác không nghe, cứ thế lên ngựa đi hội nghị. TĐĐ bèn rút súng lục bắn hai phát sượt dái con ngựa Bác Hồ cưỡi, ngựa lồng lên hất Bác Hồ ngã xuống vũng nước, thế là Bác phải đi thay quần áo khác. Chuyện thật ly kỳ. Hồi ở Trạm trú xá Cục Tổ chức TCCT tôi đã được thấy chú ngựa thồ gạo của trạm, nghe kể thế khoái quá, reo lên: "Đúng rồi. bắn sượt dái ngựa thì nó lồng lên ghê lắm, sao chú ấy bắn tài thế". 
Lại có chuyện một lần Bác Hồ hút thuốc lá nhưng bật lửa bì mưa ướt bật mãi không được, Tạ Đình Đề bèn rút súng lục ra, bắn "pằng" một phát sượt qua điếu thuốc Bác Hồ đang ngậm trên môi, điếu thuốc cháy; thế là Bác Hồ có lửa để hút thuốc...
3. Chuyện cụ Tạ Đình Đề bảo vệ Đại Tướng Võ Nguyên Giáp:
       Có một lần chú Tạ Đình Đề được cử đi bảo vệ Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, thấy Đại Tướng đội cái mũ cát đã long chỏm, nhiều chỗ vải phồng lên mà không chịu thay mũ mới, Tạ Đình Đề khuyên mấy lần không được bèn rút súng ra vẩy một phát "đoàng", cái chóp mũ của Đại Tướng bay đâu mất, Mũ mà mất chóp thì còn ai đội làm gì. Đại Tướng nhà mình phải thay mũ mới.
       Đại khái là những chuyện tài năng của cụ Tạ Đình Đề dưới con mắt trẻ con của chúng tôi cũng rất trẻ con và ngớ ngẩn, thế mà chúng tôi kẻ nọ truyền cho người kia, thì thầm kể với nhau rất khoái trá. Thực ra những huyền thoại này không phải học sinh QL sáng tác ra mà chỉ thêm thắt tí chút rồi lưu truyền với vẻ li kì thú vi. Cũng có một nguyên nhân là chú Tạ Đình Đề đã từng là học viên Sĩ Quan Lục Quân (1951-1953) khi trường này đang trú tại Quế Lâm Trung Quốc, cùng thời với học sinh trường Thiếu sinh Quân Việt Nam ở Quế Lâm. Những huyền thoại này còn được sáng tác ở nhiều nơi khác, cũng có khi do chính bọn Việt gian tay sai của Pháp bịa ra để doạ nhau (Báo Công An Nhân Dân đã nhắc tới trong nhiều kỳ, tôi không đưa vào đây nữa). Tên tuổi của chú Tạ Đình Đề vang mãi tới Nam Bộ xa xôi. Đặc biệt ở Miệt Cống Thần, Chợ Đại (Hà Nam), Hà Nội... Bà con nhắc đến tên Tạ Đình Đề với thái độ khâm phục, kính nể, trân trọng.
2. CỤ TẠ ĐÌNH ĐỀ BẮN THI VỚI HÀ ỨNG KHÂM
       Đã có lần tôi hỏi bố: "Ông Tạ Đình Đề tài năng thế, sao lại để ông làm TDTT?" Bố tôi bảo: "Không có người tài như Tạ Đình Đề thì không ai quản được cái đội bóng đá Đường Sắt cả." Tôi ngạc nhiên và tìm hiểu nguyên nhân thì được biết đội bóng đá Đường Sắt đá giỏi nhưng cũng thuộc lọai "lắm tài lắm tật" : bên cạnh những cầu thủ hiền lành chất phác còn có cả cầu thủ vốn là ngụy quân của quân đội Pháp trước đây (NVB tiền đạo nổi tiếng một thời của đội bóng đá ĐS nguyên là SQ ngụy), có người đã phạm tội trộm cướp, hiếp dâm, ác ôn, có cả người có nợ máu với nhân dân... nhưng vì có tài nên vẫn được sử dụng. Những cầu thủ này chỉ có ông Đề mới cai quản được. 
      Đội bóng ĐS đá giỏi lắm, nhiều trận ngang ngửa với đội Thể Công (sau đổi tên là Câu lạc bộ Quân Đội). Những dịp có đội bóng quốc tế đến đá ở Hà Nôi thì thế nào đội Đường Sắt cũng được chọn thi đấu. Những dịp như thế người ham bóng đá tìm mọi cách "chạy vé", vì vé xem được phân phối về cơ quan đơn vị, bên ngoài không thể mua được. Hà Nội không có cảnh phe vé như những năm về sau này. Những lần có bóng đá Quốc tế, tôi thường thấy cụ Đề đến nhà tôi, ngồi chơi rất lâu, có hôm đến tối mới về. Tôi hỏi bố thì cụ bảo: Chú ấy đi trốn những người đến xin vé đấy. Ở nhà thì suốt ngày tiếp khách xin vé nên phải đến đây trốn, có hôm còn phải lang thang ngoài bờ hồ Hoàn Kiếm đến 10 giờ đêm mới dám về nhà, bố thấy tội quá mời chú ấy đến đây chơi cho vui.
       Có lần bố tôi bận phải đi công tác, thấy cụ Đề đến, bố bảo tôi: "Bố bận đi công tác, con ngồi chơi nói chuyện với chú Đề cho vui".
       Được dịp may hiếm có, tôi lân la hỏi cụ chuyện trước đây học làm gián điệp do Mỹ đào tạo như thế nào, bảo về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra sao... rồi kể lại các chuyện mà bọn trẻ con chúng tôi vẫn bí mật kể nhỏ với nhau về cụ. Cụ Đề cười khì và bảo: "Chúng nó bịa đấy, làm gì có chuyện bắn ngựa với bắn chóp mũ, bắn thế có mà tù à!”.
Rồi Cụ Tạ Đình Đề kể chuyện đi học lớp gián điệp do Mỹ tổ chức huấn luyện tại Vân Nam Trung Quốc. Tuy không phải do Trung ương Đảng CSĐD cử đi nhưng là người được tổ chức Đảng ở đề pô xe lửa Lào Cai cử đi học để sau này về phục vụ cho cách mạng, vì thế làm gì có chuyện cụ Đề đi ám sát Bác Hồ. Đấy là chuyện tượng tượng, bịa đặt của những người đa sự.
      Rồi cụ kể chuyện bắn súng cho tôi nghe: Chuyện này thì có thật. Năm 1945 phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh, quân đội Tưởng được phân công vào miền Bắc Việt Nam tước khí giới quân đội Nhật. Thời ấy khi quân Tưởng vào, kéo theo một lô các phần tử thân Tưởng (Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh) phá hoại Cách mạng Việt Nam.
         Quân đội Tưởng vào Việt Nam có nhiều người ốm đau bệnh tật và đói, tiền Quan Kim của Tưởng mất giá nghiêm trọng, có khi một gánh tiền đem đi chợ chỉ mua được mấy mớ rau. Dân ta nhại theo điệu bài Tiến quân ca có câu:
                  Đoàn quân tàu ô đi 
                  Sao mà ốm thế
                  Vác chân phù lang thang trên đất Việt Nam
                 Cờ sao trắng rách mướp theo chiều gió
                  Đứa nào sang không ốm thì phù chân
                 Tiền quan Kim nó cứ tiêu bừa ....

      Thế nhưng bọn sỹ quan quân đội Tưởng dưới sự chỉ huy của tướng Hà Ứng Khâm thì sống sa hoa và coi thường quân dân ta lắm. 
      Quân ta quyết trị cho chúng một trận thì may thay trong một dịp làm việc với Bộ Tư Lệnh quân Tưởng, khi tướng Hà Ứng Khâm huênh hoang tài bắn giỏi trăm phát trăm trúng, cụ Tạ Đình Đề cũng có mặt trong buổi đó đứng lên thách đấu. Hà Ứng Khâm không biết Tạ Đình Đề là ai, hăng hái nhận đấu với điều kiện: ai thua phải chiêu đãi toàn đoàn bên thắng một bữa đại tiệc ở khách sạn sang nhất Hà Nội.
       Cuộc tỉ thí diễn ra ngay tại BTL quân Tưởng. Ba chiếc đĩa nhỏ có đường kính khoảng 8 cm được treo lên. Tướng Hà Ứng Khâm đứng cách xa 10 m, bắn ba phát chỉ trúng có 2 đĩa. Thế cũng là giỏi lắm rồi. Sỹ quan Tưởng ra sức khen ngợi để làm nhụt chí khí bên ta.
       Đến lượt cụ Tạ Đình Đề lên bắn, cụ không cần nhắm lâu, vẩy tay ba cái, cả ba cái đĩa nhỏ đều vỡ tan. Bắn xong, giành chiến thắng, cụ Đề đứng lên mời toàn đoàn Việt Nam và đoàn quân Tưởng "ngày mai đến khách sạn dự chiêu đãi do Tướng Hà Ứng Khâm chủ chi".
      Hà Ứng Khâm thua cay lắm, cố cãi chày cối không chịu chủ chi, cụ Đề kể: "Lúc ấy tao rút trong túi ra tờ giấy Ủy quyền có dấu củ khoai của Tưởng Giới Thạch cho phép "tiền trảm hậu tấu" mọi quân nhân Trung Hoa Dân Quốc ở Việt Nam nếu không thi hành mệnh lệnh. Hà Ứng Khâm thấy tờ giấy mới sợ hết hồn, phải chiêu đãi quân ta một bữa túy lúy càn khôn và từ đấy bớt thói kiêu căng hống hách với cán bộ Cách Mạng Việt Nam mỗi khi phải tiếp xúc. 
      Khi bố tôi đi công tác về, tôi kể chuyện bắn thi và cái giấy có dấu triện củ khoai của Tưởng Giới Thạch, bố tôi bảo: "Giấy ủy quyền thật đấy, bố đã được thấy tờ giấy ấy rồi. Chú Đề không muốn nhiều người biết chuyện này nên nói là giấy có dấu triện củ khoai thôi.
"
          ■