12 thg 7, 2016

CHỮA LÒ VI SÓNG LG


CHỮA LÒ VI SÓNG LG
1) Lò vi sóng dùng đèn manhêtrôn (còn gọi là đèn từ) phát ra dao động siêu cao tần dải sóng centimet để làm nóng thức ăn, nước uống và cả … làm tan sơn tường trong dung môi nước nhưng để lâu ngày vón cục, làm khô khăn lau bát khi thấm ẩm và … khô các bìa sách khi đóng sách bìa cứng bằng keo dán lỏng.
Làm nóng vật đưa vào lò vi sóng dựa trên đặc tính phân cực của phân tử nước: Phân tử nước có hai nguyên tử hiđro liên kết hóa trị với một nguyên tử oxy. Phân tử nước trung hòa về điện nhưng vì hai nguyên tử hydro không đứng đối xứng thẳng hàng qua nguyên tử oxy liên kết với nó mà đứng lệch một góc 104o45 nếu coi đỉnh của góc lệch là tâm của nguyên tử Ô xy. Xuất hiện góc lệch nguyên tử hydro tạo cho phân tử nước sự phân cực điện âm dương trong không gian. Khi phân tử nước được đặt trong điện từ trường dao động siêu cao tần, phân tử nước bị tác động của sóng Siêu cao tần sẽ dao động (quay lắc cực) với tần số rất cao và sinh nhiệt.

Cần lưu ý là phân tử nước sinh nhiệt do dao động quay cực khác với sự dao động nhiệt (chuyển động brown) khi đun bằng bếp nhiệt cho nên tuy nhiệt độ nước trong cốc đặt trong lò vi sóng có đạt 100o ta không thấy hiện tượng nước sôi sùng sục như khi đun bằng bếp nhiệt. Cũng từ đặc điểm nhiệt sinh ra do dao động hai điện cực của PHÂN TỬ NƯỚC trong lò vi sóng, ta nên nhớ là những vật không chứa nước, không ngậm nước, không có cấu tạo mà thành phần có phân tử nước thì không nên đưa vào lò vi sóng vì có thể không làm cho vật nóng lên mà còn gây sự cố do sóng điện từ sinh ra không bị tiêu hao bởi buồng lò không có nước, sóng phản xạ lung tung, phản xạ toàn phần tạo dao động sóng đứng với biên độ tổng hợp rất cao gây cháy nổ trong buồng nấu.
     2) Tuần trước, bà xã thông báo: Lò vi sóng nhà mình hỏng rồi, nó nổ bùng bùng bà phải rút ngay phích điện ra, sợ quá. Ông xem có sửa được không thì sửa đi, không sửa được thì bỏ, tìm mua ngay cái mới mà dùng.
- Để xem đã, Đèn manhetron trong ngòi nổ vô tuyến tên lửa SAM-2 chỉ trực chiến vài năm đã hòng. Đèn manhetron ở lò vi sóng nhà minh dùng từ 2003 đến giờ cũng khá là thọ rồi cũng cần thay mới nhưng cứ tà tà, để ông làm xong hệ thống bơm nước rồi sẽ xét đến nó. Khi dùng lò hâm thức ăn bà có để quên cái thìa cái muỗng kim loại nào trong bát thức ăn không đấy?

- Vớ vẩn, dùng mãi quên thế nào được, bà chỉ hâm nóng lại bát muối vừng để ông ăn thôi chứ có gì trong đó đâu.
                                                  **
     Cái máu nghề chạy dần dật trong người chịu sao nổi, chỉ chờ đến chiều là ông mở máy ra xem. Buồng để nấu hâm thức ăn thi bám bẩn nhiều mỡ, có một chỗ trên vách đứng có vết cháy đen bằng hai đốt ngón tay. Mở vỏ máy ra xem bên trong: toàn bộ biến thế nguồn, bộ nguồn, tụ cao áp và đèn manhetron không có hiện tượng chập cháy, hệ thống điện tử nguyên vẹn. Thế thì hư hại là ở buồng hâm nấu rồi. Lắp lại vỏ máy và soi sáng quan sát kỹ buồng nấu thấy vách đứng bên phía đèn manhetron có vết cháy là cửa ra năng lượng của đèn manhetron. Thế này thì chắc là bà xã nhà mình đưa bát muối vừng vào khô quá, nước bốc hơi rất nhanh nóng tăng làm dầu trong lạc vừng cũng bay ra gây cháy lò và cháy vách rồi (hình 2).
    Tìm cách tháo tấm vách ra thì thấy tấm vách làm bằng nhiều vẩy mi ca ép dán lại, ở chỗ cháy keo dán đã phân hủy hết chỉ còn mi ca. Tấm mi ca cách li cổng ra năng lượng của đèn với buồng nấu nhờ đó dầu, mỡ, nước không thâm nhập vào đèn. Tấm mi ca này phải chịu được nhiệt (nếu bị cháy vẫn phải giữ được cốt làm lá chắn giữa buồng nấu và cổng ra năng lượng của đèn) phải cách điện nhưng không cản trở năng lượng đi qua nó sang buồng nấu hâm. Yêu cầu của tấm chắn cao như thế, chắc chỉ ở các cửa hiệu chữa lò vi sóng, cơ sở bảo hành của hàng và … chợ trời Hà Nội may ra có.
      Tìm đến cửa hàng chữa lò vi sóng trên phố LTT, cửa hàng không có tấm mi ca đúng loại để thay, nhưng nói bác cứ đưa máy đến chúng cháu kiểm tra, nếu không hỏng đèn thì chỉ 300 đến 500k thôi. Mình ậm ừ cho qua chuyện rồi tìm đến cửa hàng bảo hành của hãng trên đường Trần Đại Nghĩa đúng theo chỉ dẫn của bác Google thì dân quanh đấy bảo : “Trước đây thì có cửa hàng bảo hành nhưng mấy năm nay họ chuyển đi đâu không biết”.

Tấm mi ca mua về cắt ra hình thế này rồi lắp vào lò
Thôi, ra chợ giời vậy. Hỏi thăm nơi bán Mi ca, ai cũng chỉ ra cuối chợ đoạn phố Trần Cao Vân. Đến nơi hỏi mua thì họ đưa ra tấm nhựa mica mà người ta thường gọi là Foóc mi ca, loại này không dùng được vì quá dày và ở nhiệt độ cao có thể biến dạng rất lớn. Hỏi đến mi ca cách điện thì người bán fooc mi ca đều lắc đầu. Quay sang bên kia đường Trần Cao Vân hỏi vài hàng về loại mi ca cách nhiệt cách điện làm mỏ hàn bàn là, cũng lắc. Đến gần cuối phố hỏi đến tấm mi ca cách điện thì người bán nói ngay: bác mua tấm mi ca dùng cho lò vi sóng phải không? Cháu có đấy. Ôi mừng quá. Có người bán nghĩa là có người đã mua để chữa lò vi sóng rồi. Vội mua ngay một tấm to bằng khổ A5, lại thấy cô bán hàng dùng dao dọc giấy cắt đôi tấm mi ca A4 ra ngon lành, về nhà đặt tấm hỏng lên lấy mẫu cũng dùng dao dọc giấy và cắt, được ngay tấm chắn cửa năng lượng lò vi sóng mới (hình 3). Lắp vào lò cho nửa chén nước vào chạy thử, chỉ 30 sec đã thấy nước trong chén nóng ran. Thế là chữa xong lò, bàn giao cho bà chủ.
Hehehe.

2 nhận xét:

  1. Rất cảm ơn bạn về những chia sẻ bổ ích trên. Hi vọng bài viết sẽ là thông tin bổ ích đối với rất nhiều người.
    Nếu có nhu cầu về các dịch vụ thẩm mỹ nha khoa như niềng răng, tẩy răng,...hoăc cần giải đáp về niềng răng có tác dụng gì hãy tham khảo thêm bài viết nhé!

    Trả lờiXóa
  2. mày mò mà vẫn chữa được đấy

    Trả lờiXóa