31 thg 12, 2017

CHÚC MỪNG NĂM MƠÍ 2018

CHÚC MỪNG NĂM MƠÍ 2018
CHÚC CÁC BẠN BLOGGER MỘT NĂM SỨC KHOẺ TUYỆT VƠÌ
KINH TÉ VỮNG VÀNG 
GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC



25 thg 12, 2017

TÌM HIỂU SMARTPHONE (KÌ 5)

                    TÌM HIỂU SMARTPHONE (KỲ 5)
CỬ CHỈ NGÓN TAY KHI THAO TÁC VỚI SMARTPHONE

Smartphone được giới chợ búa gọi là điện thoại chạm quệt để phân biệt với điện thoai cục gạch chỉ có bấm bấm. Tuy gọi là chạm quệt nhưng thao tác ngón tay đối với điện thoại này khá đa dạng và ngày càng đa dạng khi người ta đưa trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence) vào loại điện thoại này.
Các cử chỉ chủ yếu của ngón tay đối với điện thoại này là:
1) Chạm vào (Touch): Chạm vào một mục một lần. Ví dụ: chạm để chọn một tùy chọn hoặc mở một ứng dụng.
2) Chạm đúp (Double touch): Chạm vào vùng mục tiêu của màn hình hai lần liên tục. Ví dụ: chạm đúp vào một hình ảnh ở chế độ toàn màn hình để phóng to hoặc thu nhỏ.
3) Chạm và giữ (Touch and hold): Chạm và giữ khu vực đinh thao tác của màn hình trong ít nhất 2 giây. Ví dụ: chạm và giữ một vùng trống trên màn hình chính để truy cập trình chỉnh sửa màn hình chính.
4) Vuốt (Swipe Swype): Vuốt ngón tay của bạn trên màn hình. Ví dụ: vuốt Khung Thông báo sang trái hoặc phải trên màn hình thông báo để loại bỏ thông báo đó. Vuốt theo chiều dọc hoặc theo chiều ngang để đi đến màn hình chính khác, cuộn tài liệu lên xuống và v.v...
5) Kéo (Drag): Chạm và giữ một biểu tượng, sau đó di chuyển nó đến vị trí khác. Ví dụ: sử dụng cử chỉ này để sắp xếp lại biểu tượng ứng dụng và tiện ích con trên màn hình chính, kéo biểu tượng ứng dụng không cần dùng nữa cho vào sọt rác để gỡ bỏ ứng dụng đó khỏi điện thoại của ta.
6) Xoạc rộng hai ngón tay ra (Spread fingers apart): Trượt hai ngón tay trên màn hình cho xa nhau ra. Ví dụ: Xoạc rộng hai ngón tay ra để phóng to ảnh hoặc trang web.
7) Co hai ngón tay vào gần nhau (Pinch fingers together): Co hai ngón tay lại với nhau trên màn hình để thu nhỏ hình ảnh hoặc trang (web).
8) Gõ (Knock) Dùng khớp ngón tay gõ lên màn hình để mở khóa màn hình (Windows phone) hoặc để chụp ảnh màn hình
9) Gõ và quệt (Knock và Swipe) Gõ và quệt khớp ngón tay để chụp ảnh một phần màn hình.
10) Gõ khớp 2 ngón tay (Knock 2 fingers) để quay phim màn hình (Huawei nova 2i).
Xem hình cử chỉ ngón tay khi dùng điện thoại


23 thg 12, 2017

TÌM HIỂU VỀ SMARTPHONE (kì 4)

      SỬ DỤNG DROPZONE TRÊN EMUI 5.0X 

Trên điện thoại của Hãng Huawei (Huawei và Honor) có một thuật ngữ rất khó hiểu, đó là Dropzone.
Dropzone là một từ tiếng Anh có nghĩa thông dụng là vùng đổ bộ, vùng thả dù. Trong smartphone Android được tạm dịch là vùng thả thông báo, gọi tắt là vùng thả. (Hãng Huawei trong hướng dẫn của mình gọi nó là thùng thả nhưng tôi không thấy thùng nào nên tạm dịch là vùng thả thông báo). 
Các điện thoại thông minh android thường có hiện tượng xuất hiện các thông báo (của các ứng dụng có khả năng gửi thông báo) một cách lộn xộn, vô tổ chức vào màn hình thông báo khiến người dùng nhìn vào màn hình này bối rối không biết xử lý các thông báo và các quả bóng thông báo thế nào cho hợp lý. Ví dụ ở Messenger có một quả bóng thông báo với số 2, ở Zalo có quả bóng thông báo có số 1... xuất hiện ở các "trang" biểu tượng khác nhau, rồi trên màn hình thông báo dù chưa mở khóa màn hình cũng thấy các thanh thông báo hiện lên lung tung)....
Để giải quyết vấn đề này, điện thoại Huawei chạy phần mềm Emotion UI 4.1 trở lên có tính năng QUẢN LÝ VÙNG THẢ THÔNG BÁO (Dropzone Management).
Tính năng này giúp bạn giữ màn hình thông báo khỏi lộn xộn và vô tổ chức. Nó cũng cho phép bạn quản lý được biểu tượng nổi hoặc bong bóng xuất hiện trên màn hình của bạn bất cứ khi nào một thông báo mới xuất hiện theo ý thích của mình.
Ví dụ: Ứng dụng Messenger bật lên một bong bóng thông báo ai đó gửi thông báo 
(hoặc gọi điện) cho bạn . Bạn có thể chọn tắt hoặc bật thông báo trên màn hình thông báo cho mỗi ứng dụng riêng lẻ và giữ những thông báo riêng khỏi con mắt tò mò.
Thiết lập Quản lý Vùng thả (thông báo) bằng cách làm theo hai bước đơn giản dưới đây:
Bước 1: Chuyển đến Quản lý điện thoại và chọn tùy chọn Quản lý Vùng thả (thông báo).
Hình 1 Phím mở ứng dụng Quản lý Vùng thả thông báo (dropzone management) nằm ở màn hình thứ hai của ứng dụng Quản lý điện thoại  (có nửa khung đỏ trong hình 1)

Bước 2: Quản lý Vùng thả (thông báo - Dropzone) chứa các tùy chọn cho tất cả các ứng dụng có thể gửi thông báo. Khi tắt ứng dụng Quản lý Vùng thả thông báo (kéo nút của chuyển mạch tương ứng sang trái bằng cách gõ vào dòng chữ tên ứng dụng), biểu tượng thông báo trên màn hình thông báo và bong bóng thông báo sẽ không xuất hiện trên màn hình thông báo và bên biểu tượng ứng dụng nữa, ngay cả khi màn hình smartphone đang mở.
Hình 2 Khi mở Vùng thả thông báo (núm tròn của chuyển mạch chuyển sang phải), các biểu tượng thông báo và bong bóng thông báo sẽ xuất hiện trên màn hình smartphone (nếu bạn không tắt các ứng dụng).
Một điều cần lưu ý là nhiều người để tiết kiệm pin không cho phép các ứng dụng chạy ngầm khi tắt màn hình, khi đó các tin nhắn cũng bị chặn lại và dù có mở ứng dụng vùng thả thông báo thì trên màn hình cũng không có biểu tượng thông báo cho đến khi bạn mở ứng dụng để xem các thông báo nếu có. 

16 thg 12, 2017

TÌM HIỂU VỀ SMARTPHONE (3)

MÃ QR ? LÀM THẾ NÀO?

         Mã QR đã trở thành phổ biến trên thế giới và ngay ở Việt Nam: Đại hội đoàn TNCS HCM họp tại HN vừa qua có một tình tiết thú vị: Các đại biểu vào hội trường họp phải qua quét mã QR. Vậy mã QR là gì và làm thế nào để tạo và đọc được nó?
       Theo Wikipedia: Mã QR một mã ma trận (hay mã vạch hai chiều) được phát triển bởi công ty Denso Wave (Nhật Bản) vào năm 1994. Chữ "QR" xuất phát từ "Quick Response", trong tiếng Anh có nghĩa là đáp ứng nhanh, vì người tạo ra nó có ý định cho phép mã được giải mã ở tốc độ cao. Các mã QR là loại mã hai chiều thông dụng nhất ở Nhật Bản và gần đây người Trung Quốc thường sử dụng việc quét mã QR trong mua sắm hàng ngày. Mã QR cũng được thêm vào danh thiếp, làm đơn giản đi rất nhiều việc nhập dữ kiện cá nhân của người mới quen vào sổ địa chỉ trên điện thoại di động.

Khả năng lưu trữ dữ liệu mã QR

Số đơn thuần Tối đa 7.089 ký tự

Số và chữ cái Tối đa 4.296 ký tự
Số nhị phân (8 bit) Tối đa 2.953 byte
Chữ Nhật (Kanji/Kana) Tối đa 1.817 ký tự
Để hình dung ra 1000 ký tự có bao nhiêu chữ các bạn hãy xem toàn bộ chữ trong bài viết này chứa khoảng 1700 ký tự và thấy được khả năng mã hóa một văn bản của mã QR là thế nào. Nhưng đây mới là khả năng tối đa. Ứng dụng Barcode Generator mà tôi dùng chỉ cho phép mã hóa tối đa 1000 ký tự thôi đấy.

      Trong các điện thoại thông minh thường được cài sẵn phần mềm quét mã QR và tạo mã QR từ địa chỉ liên hệ. (Ứng dụng Zalo cũng có phần quét mã địa chỉ để tạo QR gửi cho bạn bè và quét giải mã QR khi nhận được từ bạn bè gửi đến). 
       Để sử dụng rộng rãi mã QR sang lĩnh vực khác, có thể tải các ứng dụng từ Appstore (iphone) hoặc Google Play (Android) Windows Store (Windows Phone). Vì có rất nhiều ứng dụng loại này trong các store, khi chọn ứng dụng tải xuống người dùng chú ý chọn ứng dụng vừa quét được mã QR vừa tạo được QR có dùng tiếng Việt, ví dụ tôi đã tải ứng dụng Barcode Genarator của Google play và thấy rất hữu dụng
Hình Minh họa :

1) Mã QR thông báo các URL trong Wikipedia. Khi giải mã các loại mã QR có URL cần lưu ý: đừng mở các trang web này ngay vì có thể chứa mã độc hại gài vào. Ở máy Huawei khi quét các mã có URL thường có lời cảnh báo về mức độ an toàn của các URL quét được để người dùng cảnh giác.

2) mã vạch được Barcode Generator tạo ra (dòng chữ số 25081953) 
3) Mã QR tạo ra từ dòng chữ ....
 Mời đồng bào thử nghiệm làm và làm quen với công nghệ mới này.

12 thg 12, 2017

TÌM HIỂU VỀ SMARTPHONE (1 & 2)

NHỮNG ĐIỀU MỌI NGƯỜI BIẾT MÀ MÌNH KHÔNG BIẾT (1)
A. SIM ĐIỆN THOẠI
.
1. SIM
SIM là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh Subscriber identity module (Modul nhận dạng thuê bao). SIM là một bộ phận quan trọng của mạng GSM (Mạng 2G), còn được gọi là thẻ SIM. SIM là 1 thẻ nhỏ chứa một vị mạch nhớ dùng lượng thấp, được gắn vào máy di động, để lưu thông tin thuê bao và danh bạ điện thoại. Các thông tin trên thẻ SIM vẫn được lưu giữ trên thẻ này khi đổi máy điện thoại.
Do khả năng lưu trữ của sim còn thấp nên địa chỉ lưu giữ trên sim chỉ lưu được 5 đến 6 chữ cái tên người, do đó khi chuyển SIM và địa chỉ danh bạ sang máy khác nếu dùng bộ nhớ ở SIM nhiều người có tên dài nhiều chữ cái sẽ bị ngắt bớt trở thành vô nghĩa (ví dụ Nguyễn Hà chỉ còn Nguyê). Để chuyển danh bạ có độ chính xác cao người ta phải lưu danh bạ ấy vào trang mạng của Google hoặc Microsoft hay Apple Cloud...), cũng có thể chuyển Thông tin danh bạ thành mã QR và chuyển mã này Cho bạn bè hoặc chuyển sang máy khác cùng một người dùng.
Người dùng cũng có thể thay đổi nhà cung cấp khác, nếu đổi thẻ SIM.
Một số rất ít nhà cung cấp dịch vụ mạng ngăn cản việc chuyển mạng , chỉ cho phép 1 máy dùng 1 SIM (của họ) Không cho dùng sim khác không do họ sản xuất, được gọi là tình trạng Khóa SIM. Ở Australia, Bắc Mỹ và châu Âu, một số nhà khai thác mạng viễn thông tiến hành khóa máy di động họ bán. Lý do là giá của các máy này được những nhà cung cấp đó tài trợ, và họ không muốn người dùng mua máy đó để xài cho hãng khác. Số được khóa theo máy di động là số Nhận dạng máy di động quốc tế IMEI (International Mobile Equipment Identity), chứ không phải số thuê bao. Ở một số nước như Bangladesh, Belgium, Costa Rica, India, Indonesia, Malaysia, Pakistan (cả ở Việt Nam nữa) tất cả các máy di động đều được bỏ khóa. Các máy điện thoại iPhone bị khóa sim mua ở Mỹ hoặc các nước Tây Âu thường có giá thấp hơn giá bán máy quốc tế do đó đưa về Việt Nam có lời hơn nhưng lại vướng chuyện không lắp được sim của các nhà mạng Việt Nam . Để bẻ khóa máy bị khóa sim, người ta tạo ra các SIM ghép, gọi là sim thần thánh. Một sim ghép thường gồm SIM của Nước bán máy ghép với 1 SIM của nhà mạng Việt Nam. Apple đã hai lần khóa máy iPhone, nhiều người mua máy khóa SIM chết dở vì không thông tin được .



2. Tại sao 2 SIM
IPhone lần đầu ra mắt chỉ có một SIM, đã “bán mình” cho một hãng truyền thông để được hỗ trợ giá. Hãng này không muốn người dùng đem iPhone được trợ giá dùng cho mạng truyền thông khác khác nên đã khóa sim của các máy này. iPhone sau này cũng chỉ có một SIM. Các hãng điện thoại ra sau để cạnh tranh với iPhone đã sản xuất ra điện thoại có thể gắn được 2 sim. Sử dụng SIM của hãng truyền thông này gọi sang máy của mạng truyền thông hãng khác làm cho giá tiền mỗi phút gọi tăng lên từ 1,5 đến 2 lần gọi trong cùng một mạng với thẻ SIM đã gắn trong máy, vì thế mới có chuyện gọi nôi mạng và ngoại mạng đơn giá thông thoại khác nhau. Sử dụng 2 SIM có cái lợi được chọn nhà mạng khi gọi điện thoại, nhờ đó mà giảm giá thành cuộc gọi vì không phải chịu phí chuyển mạng. Ví dụ máy mình định gọi là Viettel, sẽ dùng sim Viettel để gọi, giá tiền sẽ thấp hơn nếu gọi bằng sim Vinaphone vì nếu dùng Sim Vinaphone gọi sang mạng Viettel thì cuộc gọi của mình phải nuôi cả hai nhà mạng. Để dùng hiệu quả máy 2 SIM, người dùng phải biết được số điện thoại của bạn mình thuộc mạng nào để chọn nhà mạng khi gọi cho chính xác
Các mạng Điện thoại ở Việt Nam được phân biệt bằng các đầu số như sau:
Vinaphone 091xxx, 094xxx 0123xxx 0124xx, 0125xx, 0127xx, 0129xx
Mobiphone 090xx, 093xxx, 0121xx, 0122 xx, 0126xx, 0128xx
Việt Nam mobile (VnMobile) 092xx
SPhone 095xx
Viettel 096xx, 097xx, 098xx, 0162xx, 0163xx, 0164xx, 0165xx, 0166xx, 0167xx, 0168xx, 0169xx
Gtel mobile 099xx, 0199
Có một đầu số đặc biệt 088xx gồm nhiều nhà mạng đăng ký, thường là các số của các đại gia “mê tín’’ vì nó gồm hai số 8 đọc kiểu tiếng Tàu nhái là phát phát (phát tài phát lộc phát nhiều thứ) nhưng bí thư thành ủy TP Hồ Chí Minh là Đinh La Thăng đã dùng đầu số này mà chỉ thấy "phát" vào vòng lao lý nên chớ có tin nhảm mất tiền mua sim VIP mà chẳng lợi lộc gì. 

3. Đổi số điện thoại 11 số sang 10 số:
      Theo kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông, sẽ có 5 doanh nghiệp viễn thông chuyển đổi mã mạng lần này. Cụ thể, thuê bao 11 số của mạng Viettel gồm các đầu số 0162, 0163, 0164, 0165, 0166, 0167, 0168, 0169 sẽ chuyển thành 032, 033, 034, 035, 036, 037, 038, 039.
       Thuê bao 11 số của mạng MobiFone gồm các đầu số 0120, 0121, 0122, 0126, 0128 sẽ chuyển thành 070, 079, 077, 076, 078.
       Thuê bao 11 số của mạng VinaPhone gồm các đầu số 0123, 0124, 0125, 0127, 0129 sẽ chuyển thành 083, 084, 085, 081, 082.
      Thuê bao 11 số 0188, 0186 của Vietnamobile sẽ được đổi sang đầu số 056, 058. 
       Thuê bao 11 số 0199 của Gtel sẽ được đổi sang đầu số 059.
        Việc chuyển đổi sẽ bắt đầu từ ngày 15/9/2018 và kết thúc vào ngày 30/6/2019.        Các số liệu ở mục 2 và 3 này được sưu tập khá công phu các bạn nên ghi nhớ hoặc nếu đầu đã hơi bị Cu-chuoi-li-za-tion thì ghi lại nhé để sử dụng lâu dài, Chúc các bạn thành công.


8 thg 12, 2017

CHUYỆN LÔM CÔM (XA SƯƠNG 車厢 KÝ SỰ)

CHUYỆN LÔM CÔM hay XA SƯƠNG  KÝ SỰ
<xa sương là toa xe lửa> 
Lời Noilieu : Bài viết ngày 14-2-2016 gặp lúc Xi đại nhân xử vụ Xa Sương ồn ào dư luận. Đến nay chưa đầy 2 năm, Xi đại nhân đã vướng vòng lao lý. Thật là trời có mắt, ăn nhiều rồi cũng tàn đời thôi. Xin đăng lại hầu quí vị với tình thần tiếp thu góp ý của bác Lê Vân ở đoạn cuối

       Ngày xửa ngày nay có ông XI GIÁNG, thiên hạ vẫn gọi là xi bê mol, có học trò ruột là NGỌC BẤT BẠI, thiên hạ gọi sau lưng là NGỌC HÀNH ĐẠI NHÂN. Hai vị này nổi tiếng là người "liêm khiết" không tham lam vơ vét của dân.
       Một lần, hai thày trò đi cày, thày XI GIÁNG cày phải thỏi vàng (giả), liếc mắt nhìn biết là đồ giả, tự nghĩ mình THAM NHŨNG… đã nhiều, cục vàng (giả) này là cái đinh gì mà để mắt tới, với lại đại hội NGŨ NHẠC KIẾM PHÁI vừa rồi đã được quần hào quy vào hàng chưởng môn nhân, chẳng mấy chốc sẽ đi phó nhậm ở HOA SƠN, nơi ấy thiếu gì vàng bạc , bèn cho trâu đi tiếp, không thèm để ý tới. Đệ tử NGỌC BẤT BẠI cày phía sau, khi đi tới cục vàng, “họ họ” cho trâu dừng lại, cử hai tay đưa xuống nhặt cục vàng lên xem. Nhác thấy thày XI GIÁNG để mắt nhìn mình vội vứt cục vàng đi cày tiếp.
         Cày xong, không đợi học trò cởi trâu, rửa ráy chân tay, thày XI GIÁNG đuổi ngay NGỌC BẤT BẠI ra khỏi sư môn, cắt đứt tình sư đệ. NGỌC BẤT BẠI quỳ xuống ven đường ngay bên một bãi phân rõ to, rập đầu khóc lóc, kêu rằng:
       - Không biết đệ tử có lỗi lầm gì mà sư phụ lại trục xuất ?
Thày XI GIÁNG hỏi:
       - Người có thấy thỏi vàng khi cày ruộng không?
       - Thưa sư phụ có ạ!
       - Ngươi có nhặt cục vàng lên xem không?
       - Thưa sư phụ có ạ!
       - Đấy là tội!
       - Nhưng đệ tử đã vứt nó đi rồi mà!
       - Không vứt cũng tội to, vứt đi càng có tội. Chuyện bọn Vixilai và Vixishin đang còn nóng hổi, thiên hạ đổ dồn mắt xem ta và ngươi đi cày nhặt vàng là họ nghi thày trò ta lại bước vào đường con Lai con Xin đó! Nhặt lên để xem rồi vứt đi cũng là có lòng tham, tuy chốc lát dằn được lòng tham ấy nhưng nếu ta không có ở đó thì ai dám chắc rằng ngươi không đút túi đem về dùng riêng?
       - Xin Sư phụ tha tội. Xin Sư phụ tha tội.
       - Thôi, ta sắp đi phó nhậm chưởng môn phái HOA SƠN rồi, có đuổi ngươi ra khỏi võ tràng này hay không cũng không có nghĩa nữa. Nhưng để giữ thể diện cho ngươi và giữ uy cho ta, ngươi phải chặt cái tay đã nhặt cục vàng (giả) lên xem đi rồi ta tha.
Nói xong thày XI GIÁNG đánh trâu về nhà để đi phó nhậm chức Chưởng môn Hoa sơn phái.
        NGỌC BẤT BẠI nghe thày phán sướng rơn, rút kiếm bên mình chặt phăng tay áo bên phải đi. Cười rõ tươi, về nhà trình sư phụ.

7 thg 12, 2017

THỰC HIỆN CHUYỂN GIỌNG NÓI THÀNH VĂN BẢN (2)

THỰC HIỆN CHUYỂN GIỌNG NÓI THÀNH VĂN BẢN (2)

Dùng Smartphone các loại chuyển giọng nói thành văn bản (speech to text)



Tác dụng của phương phương pháp "Chuyển giọng nói thành văn bản sử dụng smartphone" là:
1. Biến giọng nói thành đoạn văn bản của tin nhắn để gửi tin nhắn cho điện thoại. (Đây không phải là thư thoại mà là tin nhắn bằng văn bản nhưng dùng lời nói để biến thành văn bản).
2 Dùng lời nói để nhận xét bình luận (comment) hoặc viết bài cho các trang mạng xã hội như Facebook, blogspot của Google.
3.. Biên soạn các bản tài liệu bằng giọng nói rồi biến đổi thành tài liệu chữ viết để giảm việc gõ bàn phím, có thể viết dài và ngắn tùy ý.
Khuyết điểm của tính năng "biến giọng nói thành văn bản dùng Smartphone" là không thực hiện được dấu chấm và dấu phẩy., Điều này phải đưa ra các công cụ văn bản để chỉnh sửa

Yêu cầu thực hiện

1 Phải có mạng in Internet
2. Trừ smartphone Apple có công cụ biến đổi giọng nói cài sẵn, các máy smartphone Android khác như Samsung, Oppo phải có bàn phím Gboard hoặc Laban Key có công cụ để biến đổi giọng nói thành văn bản. Những điện thoại đã được cài sẵn bàn phím Gboard hoặc Laban Key thì không cần tải nữa. Để tải bàn phím Gboard về máy smartphone của mình, phải vào Google Play và tím công cụ Bàn phím Gboard hoặc Laban Key, tải nó về và cài đặt.. 
3. Trong phần cài đặt smartphone, kiểm tra tính năng "Biến giọng nói thành văn bản" nếu tính năng này chưa được bật (mở) thì mở nỏ ra.
4. Cần lưu ý một điều: phân biệt sự khác nhau giữa thư thoại và tin nhắn tạo ra bởi giọng nói. Nhiều điện thoại hoặc nhà mạng có tính năng Messenger thư thoại là biểu tượng cái Micro nhưng không phải micro biến giọng nói thành văn bản. Micro biến giọng nói thành văn bản nằm bên trong bàn phím. Chỉ khi ta chạm vào vùng định tạo văn bản thì bàn phím mới hiện ra và mới thấy micro. Hai Điều này là khác nhau. Tin nhắn tạo ra bằng lời nói có thể chuyển đi trên mạng 2G,  nhưng thư thoại thì phải có Internet (mạng 3G hoặc 4G)..

Trình tự thực hiện: phụ thuộc vào kiểu máy

A Đối với máy smartphone Apple đã cài sẵn chế độ biến giọng nói thành văn bản, người dùng sau khi đặt con trỏ vào vị trí cần đánh máy chữ cho bàn phím hiện ra, chỉ việc nhấn vào biểu tượng micro có ở bên cạnh biểu tượng quả địa cầu Trên bàn phím ảo là thực hiện được ngay việc biến đổi giọng nói thành văn bản. Máy smartphone Apple loại cũ chưa có tính năng này thì nên tải Gboard về dùng như điện thoại Android.
Hình 1 Bàn phím Apple, micro nằm cạnh biểu tượng quả địa cầu (chọn ngôn ngữ)

B. Với bàn phím Gboard người dùng sau khi đặt con trỏ vào vị trí cần đánh máy chữ cho bàn phím hiện ra, cần chọn bàn phím thích hợp với việc biến giọng nói thành văn bản (Gboard hay Laban Key) rồi nhấn vào micro có trên bàn phím này rồi bắt đầu thực hiện biến giọng nói Thành văn bản. Micro của Gboard nằm đối diện với biểu tượng bàn phím này (Chữ G màu) như hình 1 đã khoanh dấu đỏ 

                           Hình 2: Micro trên bàn phím Gboard
C Riêng smartphone Huawei và một số smartphone TQ khác: Có một nút chọn bàn phím đặt ở thanh điều hướng của smartphone này. Nhấn vào nút chọn bàn phím, bạn có thể chọn bàn phím Gboard hoặc bàn phím “biến giọng nói thành văn bản” để thực hiện công việc, xem trên hình minh họa

                  Lựa chọn bàn phím Gboard để biến giọng nói thành text

Bàn phím Laban khi không chọn biến giọng nói thành văn bản


Micro trên bàn phím Laban Key khi dùng ứng dụng biến giọng nói thành văn bản (nhấn vào phím 123+micro ở hình trên hình này thì micro sẽ tách ra như hình trên) 

Vì trình độ có hạn, hướng dẫn này rất khó hiểu, ai làm được ngay là thiên tài.
Chúc các bạn thực hiện thành công






6 thg 12, 2017

THỰC HIỆN CHUYỂN GIỌNG NÓI THÀNH VĂN BẢN

 THỰC HIỆN CHUYỂN GIỌNG NÓI THÀNH VĂN BẢN (1)
        [Thực hiện trong máy tính bàn (Destop) và laptop]


Thực hiện chuyển giọng nói thành văn bản dùng công cụ của Google khi sử dụng máy tính laptop và máy tính để bàn. Trình tự thực hiện như sau:
1. Điều kiện thực hiện:

a)  Bạn phải có micro để ghi giọng nói khi biến giọng nói thành văn bản. Laptop đã có micro còn máy tính bàn nếu chưa có micro phải sắm một headset (micro và tai nghe) loại thông thường, chỉ khoảng 100k thôi.
b) Bạn phải nối mạng Internet.
c) Máy tính phải dùng hệ điều hành Windows, Nếu máy tính dùng hệ điều hành của Apple thì hướng dẫn này không đảm bảo là đúng.
2. Đăng nhập vào Chrome bằng tài khoản Google của mình (địa chỉ hòm thư email và mật khẩu, tên đăng nhập). Khi đăng nhập thành công dưới thanh công cụ xuất hiện ảnh đại diện của mình và biểu tượng công cụ Google là một hình vuông có 9 chấm vuông.




3. Nhấn vào phím công cụ này để xuất hiện các công cụ của Google. Lúc đầu chỉ có 7 công cụ xuất hiện. Nhấn tiếp vào phím phía dưới cùng là "Thêm" các công cụ, trong đó có phím “tài liệu”. Nhấn vào phím tài liệu sẽ xuất hiện các tài liệu và cuối màn hình có hình chữ thập nền đỏ tròn, đấy là công cụ để thêm tài liệu, có nghĩa là mở một tài liệu mới để viết .
4. Khi nhấn vào phím “Thêm" tài liệu, một màn hình mới hiện ra để bạn có thể soạn thảo văn bản. Muốn dùng công cụ giọng nói để biến giọng nói thành văn bản, hãy nhấn vào menu "Công cụ" ở trên thanh menu của tài liệu.
5 Khi xuất hiện các công cụ ta chọn biểu tượng micro (công cụ "Nhập bằng giọng nói") tức là Dùng micro để thu giọng nói biến thành văn bản. 
6. Sau khi chọn công cụ có biểu tượng là micro thì ở bên trái màn hình xuất hiện một hình cái micro. Nhấn vào micro đó sẽ thấy nhiều vòng tròn và micro màu trắng trên nền đỏ, bạn bắt đầu nói nhập văn bản.
7. Nhập xong một bài viết bạn lưu tài liệu đó vào Google Drive. Nếu không thích lưu ở đấy, hãy nhấn vào Menu “Tệp”. Xuất hiện các lựa chọn để ta lưu và biến đổi định dạng văn bản vừa được tạo ra, trong đó có lựa chọn “Tải xuống dưới dạng”. Khi nhấn vào “Tải xuống dưới dạng” sẽ xuất hiện một bảng lựa chọn các loại tải tài liệu xuống, nếu chọn “Microsoft Word” ứng dụng Microsoft Word sẽ mở ra và bạn có thể chỉnh sửa tài liệu vừa tạo được bằng công cụ MS Word đã mở này. Sau khi hoàn chỉnh, tài liệu có thể đem copy dán vào các trang mạng xã hội Facebook hoặc blogspot.
Hướng dẫn hơi khó hiểu, ai theo hướng dẫn này mà làm được ngay thì cứ xem như mình là thiên tài đấy. 

Tôi mới thử nghiệm thực hiện ở hệ điều hành Windows 10, các bạn thực hiện ở hệ điều hành khác như Win 8 hoặc Win 7 có kết quả ra sao đề nghị phản hồi để mọi người cùng rút kinh nghiệm

8 thg 10, 2017

VỀ CUỐN SÁCH PHÊ BINH KHẢO CỨU CỦA HOÀNG TUẤN CÔNG (2-2)

XÃ (TRONG LÀNG CỨ XÃ) LÀ GÌ <TIẾP KỲ 1>
2. Xã (trong Làng cứ Xã) là gì?
Để hiểu Xã trong Làng cứ Xã là gì cần lướt sơ qua về tổ chức nhà nước và chế độ quan tước của triều Hậu Lê và triều Nguyễn.
a) Triều hậu Lê:
-Nhà Lê chia đất nước Việt thành các Lộ (có khi gọi là Xứ, trấn); Dưới Lộ là Quận, Huyện. Dưới Huyện là cấp cơ sở (Lý và Tổng). Cứ 25 đến 100 nóc nhà được gọi là một Lý , đứng đầu một Lý là Lý Trưởng. Cứ 7 đến 10 Lý là một Tổng, đứng đầu một tổng là Chánh Tổng..
- Thời mới giành độc lập, Lê Lợi đặt chế độ quan tước gồm Vương, Công, Hầu. Tước Công có Quốc Công, Quận Công và Hương Công; tước Hầu có Thượng huyện Hầu, Huyện Hầu, Hạ Huyện Hầu và Hương Hầu (còn gọi là Thập Lý Hầu), [Được ngày nay coi là có công lớn trong cuộc khởi nghĩa chống quân Minh giành độc lập cho dân tộc nhưng Nguyễn Trãi ngày mới giải phóng chỉ được phong Hạ Huyện Hầu dưới Trần Nguyên Hãn và 18 công thần hội thề Lũng Nhai nhiều bậc ].
- Thời Lê Thánh Tông : Ông vua này học tập Tước chế phong kiến Phương Bắc, định chế độ tước vị gồm Tước Vương (Thân Vương và Tự thân vương), Tước Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Tước vị để phong cho người có Quân Công (chiến trận) và những quan lại có công lao đặc biệt. Các quan lại hưởng lộc vua ban theo 9 nấc Từ Nhất phẩm đến Cửu phẩm, lại có từ Tòng nhất phẩm đến Tòng cửu phẩm. Khoảng cách của phẩm hàm là 10 tư. Người nào được tưởng thưởng hoặc niên thưởng đủ 10 tư thì thăng phẩm.
- Các đời sau Lê Thánh Tông, do chiến tranh liên miên, triều đình thiếu tiền tiêu nên sinh chuyện bán quan mua tước, trong đó có hai tước vị không được hưởng quan lộc là Nhiêu và Xã. Người giàu bỏ tiền ra mua Nhiêu và Xã tùy theo số tiền triều đình quy định mà được miễn phu phen tạp dịch (Nhiêu) và Miễn phu phen và đi lính (Xã). Thế là ở nông thôn xuất hiện một lớp người có của ăn của để mua tước vị Xã được miễn phu phen và miễn lính, khi đình đám được ngồi chiếu trên mâm cao cỗ đầy, ra đường được gọi anh Nhiêu, ông Xã chứ không bị gọi là thằng như những lớp người nghèo.
Việc bán quan mua tước bị các nhà Nho coi là thối nát nên cực lực phản đối nhưng nó đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của triều đình và ước muốn có địa vị của người có tiền nên được duy trì trong nhiều năm cho tới triều Nguyễn.
b) Triều Nguyễn : Thời mới thống nhất đất nước, Nguyễn Ánh làm vua chỉ đổi các lộ trấn thống nhất thành trấn và 2 tổng trấn ở hai đầu đất nước.
- Năm 1834, vua Minh Mạng cải cách hành chính triệt để theo mẫu hình nhà Mãn Thanh, bỏ Trấn, Tổng Trấn, lập các tỉnh trên toàn đất Việt, dưới tỉnh là huyện (Quận). Cấp cơ sở Lý được đổi thành Làng (thôn), đổi Tổng thành Xã nhưng người đứng đầu Làng (thôn) vẫn là lý trưởng, đứng đầu xã vẫn là Chánh Tổng, vẫn giữ chế độ bán tước Nhiêu và Xã cho tới thời Bảo Đại trị vì. Thời Kháng chiến chống Pháp về các làng thôn ở Huyện Thạch Thành vẫn còn thấy gọi anh Nhiêu, ông Xã theo tước vị được mua thời phong kiến nhưng không còn được miễn trừ đi dân công hay đi bộ đội vì tước vị này không phải nhà nước VNDCCH bán. Đến nhiều vùng quê Thanh Hóa có hỏi: "Nhà bác có ai đi bộ đội không ?" nhiều khi được trả lời: " Cám ơn bác, nhà em trời cho no đủ, không ai phải đi bộ đội cả" là cách trả lời của lớp người Nhiêu xã ở nông thôn xưa.
Trở lại câu : Áo cứ tràng, Làng cứ Xã ở đây nên hiểu nghĩa đen là với cái áo thì cổ áo (nẹp vạt áo) là nơi lành lặn đẹp đẽ của chiếc áo (dài) mà người ta mặc, với làng quê thì lớp người lành lặn giàu có trong làng là các ông Xã. Và xã không phải xã trưởng (chức xã trưởng chỉ xuất hiện sau này trong các làng tề thuộc chính quyền ngụy thân Pháp) chứ ngay chính thể VNDCCH cũng không gọi là Xã trưởng mà gọi là Chủ tịch UB hành chính (kháng chiến), chủ tịch UBND xã. Nghĩa bóng của câu này là ở mỗi vật hay mỗi tổ chức xã hội đều có những vị trí, bộ phận tốt đẹp (xuất chúng) hơn các vị trí (bộ phận) khác, nếu thấy được và biết tận dụng các vị trí bộ phận ấy thì có thể hữu ích cho người cần tác động hay tiếp cận đến nó..
(Còn tiếp nhiều ký nữa)

27 thg 9, 2017

VỀ CUỐN SÁCH PHÊ BINH KHẢO CỨU CỦA HOÀNG TUẤN CÔNG (2-1)

VỀ CUỐN SÁCH PHÊ BINH KHẢO CỨU CỦA HOÀNG TUẤN CÔNG (2-1)

1. “Tràng (場) trong “áo rách vẫn giữ lấy tràng” và “áo cứ chàng (sis), làng cứ xã.” là gì?

         GS. Nguyễn Lân giải thích “tràng” trong câu “áo rách vẫn giữ lấy tràng thì Tràng: cái vạt trước của áo dài)”.
        Hoàng Tuấn Công giải thích rằng: “tràng (場)” trong câu tục ngữ này là cái cổ áo chứ không phải vạt trước của áo dài. Nghĩa là, dù áo rách thế nào, cũng phải giữ lấy bộ phận quan trọng nhất của cái áo là cổ áo.
         Rất nhiều nhà đã tham gia thảo luận chữ này, tôi cho rằng cả 2 phe (ta và địch) đều đúng khi nói ở thời điểm mình đã chọn. Cách đây 300 - 400 năm khi việc may quần áo thủ công còn là việc tự cấp tự túc và kĩ thuật may vá còn khó khăn, người ta khâu một dải vải khác màu suốt từ mép ngoài gấu áo vạt phải, qua cổ, vòng sang mép ngoài gấu áo vạt trái, vừa làm nẹp vạt áo vừa làm cổ áo góp phần tôn vẻ đẹp của khuôn mặt, cái ấy gọi là ... tràng (場).
       Tràng là một từ Việt (nôm) chứ không phải Hán Việt mà nói rằng cổ áo là lĩnh () Cổ áo sau này dù đã hình thành đủ kiểu khi tách khỏi tràng thì người Việt cũng không bao giờ gọi nó là Lĩnh (Lãnh 領) .  Đây là cái sai của nhà văn Nhà văn Ngô Văn Phú, “đã dịch hàng trăm bài thơ Đường” như nhà báo Thanh Hằng giới thiệu trong tranh luận. Như vậy ở thời 300- 400 năm trước như HTC đã trích dẫn và chứng minh thì tràng là cổ áo (xem ảnh 1). [Tập Ngũ thiên tự cũng ghi rằng Nhẫm (H. 襟) là Vạt (Nôm) còn Lĩnh (H.領) là tràng(N.場).  Sau này kĩ thuật may mặc đã có tiến bộ, người ta sáng tạo ra nhiều loại cổ áo khác nhau tách khỏi cái dải tràng (場) như cổ lá sen, cổ đăng tông, cổ cồn, cổ cứng, cổ Tôn Trung Sơn...và cái cổ ấy gọi là ...cổ (Hán: 領) còn cái tràng vẫn giữ lại để thành vạt áo (H. nhẫm 衽 hoặc khâm 襟). và cách giải thích câu áo rách vẫn giữ lấy tràng của Hoàng Tuấn Công thoả đáng hơn của GS. Nguyễn Lân.



     GS Nguyễn Đức Tồn đã đúng khi cho rằng vạt áo có “chức năng che những bộ phận quan trọng nhất của người mặc” vì sau này (áo có cổ) vạt áo là toàn bộ phần trước của chiếc áo chứ không phải “vạt áo chỉ phủ ở phần ngoài từ cạp quần trở xuống” như Hoàng Tuấn Công nói.

       Trên cái tràng áo khi đã thành vạt (H. khâm 襟) có một dải nẹp để đơm cúc và thùa khuyết tạo ra liên kết có thể tháo rời, bởi vậy người Tàu mới gọi anh em cọc chèo là “liên khâm” , (không phải một liên kết cứng).
2) Câu “áo cứ chàng, làng cứ xã” thì xã là gì?
      GS. Nguyễn Lân giải thích nghĩa cả câu là “áo cứ chàng, làng cứ xã” : Chê người có tính ỷ lại không biết tự mình lo việc cho mình: Chị ta dạo này thì áo cứ chàng, làng cứ xã, chẳng muốn làm ăn gì”.
Hoàng Tuấn Công: cho rằng “Áo cứ tràng, làng cứ xã”. “Tràng” đây là cái cổ áo, bộ phận quan trọng nhất của cái áo. Cũng như “xã” (xã trưởng, lý trưởng) là bộ phận chủ chốt, quan trọng nhất của làng. và phê phán GS. Nguyễn Lân đã viết sai chính tả chữ Tràng thành chàng một cách có hệ thống.
      Việc viết sai chính tả ở nhiều sách của vị GS. này cũng có lý do khách quan của nó. Một vị GSTS – chuyên gia về từ điển nói với tôi: Nếu anh có 3 quyển từ điển của GS. Nguyễn Lân trên tay thì chưa chắc đã có quyển nào là chính gốc vì giới “sách tặc” in lậu sách của vị GS này rất ghê gớm.
       Với thông tin này thì nên thông cảm việc viết sai chính tả L thành N, TR thành Ch trong các sách của GS. Nguyễn Lân nếu không may bạn thấy quả có sai như vậy.
       Câu phân tích của Hoàng Tuấn Công chỉ đúng một nửa (vế đầu) đến vế thứ hai “làng cứ xã” nếu hỏi rằng tại sao xã lại là lý trưởng thì chắc chắn Hoàng Tuấn Công không trả lời được. Chuyện này phải nghiên cứu kỹ lịch sử Việt Nam, phần tổ chức làng xã Việt Nam từ thời Hậu Lê, triều Nguyễn Gia Long và Nguyễn Minh Mạng mới giải thích được cho tường tận (kỳ sau tiếp)

25 thg 9, 2017

VỀ CUỐN SÁCH PHÊ BINH KHẢO CỨU CỦA HOÀNG TUẤN CÔNG (1)

VỀ CUỐN SÁCH PHÊ BINH KHẢO CỨU  CỦA HOÀNG TUẤN CÔNG  (tuancongthuphong.blogspot.com)

      Quí 3/2017 có một cuốn sách làm xôn xao dư luận trong những người yêu thích tiếng Việt : cuốn TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT CỦA GIÁO SƯ NGUYỄN LÂN – PHÊ BÌNH VÀ KHẢO CỨU của nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công. Có mấy vấn đề lớn từ sự chào đời của cuốn sách này:
     1. Lần đầu tiên ở Việt Nam có một cuốn sách dày hơn 600 trang khổ lớn (16 x 24 cm) viết các bài phê bình các sách từ điển của một tác giả lớn NGND. GS. Nguyễn Lân – người được giải thưởng cao quý của nhà nước CHXHCN Việt Nam vì đã viết được những cuốn từ điển này. Đọc mấy phần cuốn sách đã thấy vị GS cây đa cây đề của nền học thuật Tiếng Việt quả là có nhiều thiếu sót mà ngay học sinh lớp 7, lớp 8 ngày nay và cả ngày xưa cũng không mắc phải. Có nhiều nguyên nhân về những sai sót ở những tập từ điển này cũng đã được tác giả của tập sách phê bình này chỉ ra và cũng có những nguyên nhân (tế nhị?) chưa được làm sáng tỏ.
      2) Tác giả cuốn sách phê bình là HOÀNG TUẤN CÔNG, sinh năm 1970, một cử nhân Sử học với chuyên khoa Dân tộc học (Đại học Tổng hợp sử Hà Nội, đang công tác ở Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa). Đọc qua tác phẩm người ta thấy tác giả rất uyên thâm về nhiều lĩnh vực văn hóa, dân tộc học, nông học (trồng trọt và chăn nuôi), biết nhiều ngoại ngữ thiết yếu và am hiểu sâu sắc về đời sống phong tục tập quán của người nông dân Việt Nam. Tác giả đã chỉ ra những sai sót mọi mặt của những tập từ điển do GS. Nguyễn Lân biên soạn, được xuất bản nhiều tập nhiều năm ở Việt Nam, khiến những chuyên gia về từ điển học, về ngôn ngữ học, về văn học dân gian Việt Nam phải giật mình và cảm thấy hổ thẹn trước những sai sót của vị giáo sư đầu ngành, cây đa cây đề của nền trí thức dân tộc học Việt Nam.
       3). Rất tiếc lời lẽ phê bình trong tập sách TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT CỦA GIÁO SƯ NGUYỄN LÂN – PHÊ BÌNH VÀ KHẢO CỨU (dưới đây sẽ viết tắt là tập PHÊ BÌNH VÀ KHẢO CỨU) chưa được khiêm tốn lắm, nhiều câu có thể làm tác giả (nếu còn) chắc chắn đau lòng, con cháu họ cảm thấy bị xúc phạm. Những người lớn tuổi tự hỏi với nhau, phải chăng đấy là lối hành xử của lớp con cháu đất Việt thời buổi @ là như vậy?




      4. Đã có một số phản biện về cuốn sách, được nói đến nhiều là bài “Cuốn sách ‘bắt lỗi’ giáo sư Nguyễn Lân mắc nhiều sai sót” của Thanh Hằng” – phóng viên Infonet với sự thu thập ý kiến phỏng vấn nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà giáo...sư... về những ý kiến Hoàng Tuấn Công đã viết cuốn sách của GS. Nguyễn Lân nhưng đã bị tác giả cuốn PHÊ BÌNH VÀ KHẢO CỨU bác bỏ với lý luận khá chặt chẽ. Bài trả lời của Hoàng Tuấn Công đã được đăng lại thành hai kỳ trên Noilieuhaha’s blog (blogspot.com) để bạn đọc tham khảo.
     5.  Mượn được cuốn sách quý của Hoàng Tuấn Công, tôi thú vị đọc một mạch cả tuần liền và thấy nó rất có ích cho việc học hỏi thành ngữ, tục ngữ dân ca Việt Nam nói riêng và Tiếng Việt nói chung, tự nhủ sao đến bây giờ mình mới biết những điều thú vị và quý giá như vậy. Thế là xuất hiện ý định chia sẻ những điều tuyệt vời ấy cho bạn bè và người thân trong gia đình dòng họ bằng cách đưa một số bài lên FB. May thay trên blog của Hoàng Tuấn Công đã có đăng phần lớn các bài có trong tập sách PHÊ BÌNH VÀ KHẢO CỨU, các bạn có nhiệt thành với Tiếng Việt và Thành ngữ, tục ngữ Việt Nam xin đăng nhập theo đường dẫn sau đây để đọc http://tuancongthuphong.blogspot.com/2014/03/nhung-sai-lam-mang-tinh-he-thong-trong.html
    6) Thật tiếc là cuộc sống khó lòng hoàn hảo trăm phần trăm vì nhiều lí do và con người thời nay không ai có thể trở thành Lômanôsôv biết đủ thứ kiến thức trên đời. Cuốn sách PHÊ BÌNH VÀ KHẢO CỨU của học giả Hoàng Tuấn Công cũng không tránh khỏi một số thiếu sót, tuy rằng không phải là thiếu sót cơ bản và cũng không phải “mắc nhiều sai sót” như phóng viên Thanh Hằng đã đăng. Những thiếu sót có quan hệ đến khác biệt thời đại của GS. Nguyễn Lân với học giả Hoàng Tuấn Công (người viết sách và người phê bình sách chắc chắn cách nhau đến một đời người với nhiều thăng trầm biến đổi), thiếu sót về quan điểm làm từ điển, về yêu cầu tính xác thực trong văn học và kỹ thuật ... Rất mong tác giả PHÊ BÌNH VÀ KHẢO CỨU khắc phục một số thiếu sót ấy để lần xuất bản tới được hoàn hảo hơn.
Vì mến yêu tác giả và tập sách PHÊ BÌNH VÀ KHẢO CỨU, Noilieuhaha tôi cũng xin  
góp liều một vài nhời (ở các bài sau của blog này) về một số thiếu sót ngõ hầu góp phần nho nhỏ cho quyển sách được hoàn hảo hơn. Cũng nói thêm một lời rằng mặc dù Noilieuhaha có học cùng trường với GS.TS Nguyễn Lân Dũng một thời gian nhưng chỉ là loại vô danh tiểu tốt, cũng chưa bao giờ có dịp chuyện trò với vị GS tài ba lỗi lạc này nên đừng nghĩ rằng tôi viết ra để bênh vực GS. Nguyễn Lân.

VỀ BÀI “CUỐN SÁCH ‘BẮT LỖI' GIÁO SƯ NGUYỄN LÂN.....

VỀ BÀI “CUỐN SÁCH ‘BẮT LỖI' GIÁO SƯ NGUYỄN LÂN MẮC NHIỀU SAI SÓT” CỦA THANH HẰNG (P. 2).
                  (Hoàng Tuấn Công - Tiếp kỳ trước)

6. GS Nguyễn Lân giảng: “rau muống tháng chín nàng dâu nhịn cho mẹ chồng ăn (Tháng chín thì rau muống tàn lụi, rất hiếm) Có ý nói: Thức ăn hiếm, nàng dâu tốt dành cho mẹ chồng. Song cũng có người cắt nghĩa trái lại, cho rằng: Rau muống tháng chín cứng, nàng dâu chẳng ưa mẹ chồng dọn cho mẹ chồng ăn”.
Chúng tôi đã đưa ra ý kiến “Có thể loại trừ cách lý giải thứ nhất, lựa chọn cách thứ hai”, bởi cách hiểu thứ nhất không có cơ sở thực tế. Vì “rau muống tháng chín” không ngon, mà cũng chẳng lành (đây cũng là đặc điểm của nhiều loại rau quả “trái tiết” khác). Từ xa xưa, dân gian ý thức rất rõ điều đó, nên rau quả trái mùa không bao giờ được ưa chuộng, thậm chí bị coi là độc[2].
Bởi vậy, trong sách “Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân-Phê bình và khảo cứu”, chúng tôi đã phân tích: “rau muống là rau mùa hè, ưa nước mát (mùa hè nắng nóng, mưa rào xen kẽ, có lượng đạm trời dồi dào, rau muống mới tươi non, ngon ngọt). Tháng chín trời trở lạnh, bắt đầu mùa khô hanh, rau muống già có hoa, ăn vừa cứng vừa chát, hiếm mà không quý”.
Mùa nào thức ấy, rau muống đã “tàn lụi” theo mùa, dẫu có sót lại ít cọng rau già, ăn không thể ngon được!Trong khi, chính GS. Nguyễn Lân cũng thừa nhận “tháng chín thì rau muống tàn lụi, rất hiếm”.
Thế nên, chúng tôi đưa ra quan điểm: “Cùng một thành ngữ, tục ngữ nhưng có nhiều cách hiểu, đưa ra nhiều cách giải thích là chuyện bình thường, thậm chí là rất cần thiết, nếu như những cách hiểu ấy có lý. Tuy nhiên, với cách hiểu sai thì không nên đưa vào xem như một cách hiểu tồn tại song song. Ví dụ trường hợp câu tục ngữ đang xét, bằng kiến văn, người biên soạn có thể định hướng cho bạn đọc loại trừ cách hiểu sai. Tuy nhiên, GS Nguyễn Lân lại lựa chọn cách hiểu sai (thứ nhất) là chính, còn cách hiểu đúng (thứ hai) chỉ là tham khảo”. [lưu ý, nhiều cách hiểu, nhưng phải là cách hiểu có lý].
Tuy nhiên, Thanh Hằng dẫn lời GS. Nguyễn Đức Tồn, cho rằng “không phải lúc nào rau muống khan hiếm cũng là rau già”. Nhưng GS Nguyễn Đức Tồn cần lưu ý, thời điểm cụ thể dân gian nói đến là “rau muống tháng chín”, đâu phải “lúc nào” chung chung?
Theo đây, để bác bỏ quan điểm của chúng tôi, GS Nguyễn Đức Tồn phải chứng minh được rằng, “rau muống tháng chín” vừa khan hiếm vừa ngon, thậm chí ngon hơn mọi thời điểm khác trong năm, nên nàng dâu hiền mới nhịn thèm để nhường cho mẹ chồng ăn (theo như cách hiểu của GS Nguyễn Lân mà GS Nguyễn Đức Tồn đánh giá là “tích cực”).
Mặt khác, dù trong thực tế vẫn có những mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu tốt đẹp, nhưng phản ánh tình cảm yêu thương chân thật giữa mẹ chồng nàng dâu, chưa bao giờ trở thành chủ đề trong thành ngữ, tục ngữ. Ngược lại, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu luôn hiện lên trong thành ngữ, tục ngữ như là sự “xung đột” dai dẳng “truyền kiếp”, tới mức thành bản chất: Thật thà cũng thể lái trâu, yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng; Mẹ chồng không ai nói tốt nàng dâu, nàng dâu đâu có nói tốt cho mẹ chồng; Mẹ chồng nàng dâu, chủ nhà người ở ưa nhau bao giờ; Bố chồng là lông con phượng, mẹ chồng là tượng mới tô, nàng dâu là bồ nghe chửi; Bố chồng là lông lợn hạch, mẹ chồng là đách lợn lang, nàng dâu mới về là bà hoàng hậu; Dâu vô nhà, mụ gia ra ngõ; Muốn nói không làm mẹ chồng mà nói; Bắt chấy cho mẹ chồng, thấy bồ nông dưới bể…
Tóm lại, khi giải nghĩa câu “rau muống tháng chín nàng dâu nhịn cho mẹ chồng ăn”, mà lấy cách hiểu “thức ăn hiếm, nàng dâu tốt dành cho mẹ chồng” làm cách hiểu chính thức như GS. Nguyễn Lân là hoàn toàn thiếu cơ sở.
7. Mục từ “vịt xiêm” GS Nguyễn Lân giảng: “vịt xiêm dt GIỐNG VỊT TO, người ta nói nhập từ Thái Lan.Trong sân nhà có đôi vịt xiêm rất lớn”. (HTC nhấn mạnh).
Chúng tôi cho rằng, cách giảng của GS Nguyễn Lân, biến hai con (vịt và ngan) thành một như vậy không đúng, vì “vịt xiêm” là cách gọi tên con ngan của người miền Nam”, chứ không phải nó chính là “con vịt”, nhưng là “giống vịt to”, và “nhập từ Thái Lan” (Xiêm), nên được gọi là “vịt xiêm”. Cũng như con “ngan pháp” mà giải nghĩa là “GIỐNG VỊT TO, nhập từ Pháp”, thì làm sao chấp nhận được.
Thế nhưng, Thanh Hằng lại cho rằng: “Ở đây, Hoàng Tuấn Công đã tự mâu thuẫn với mình khi khẳng định “sao biến hai con thành một được”, nhưng ví dụ của anh thì lại chứng minh ngan và vịt xiêm là một”!
Theo đây, Thanh Hằng đã không đọc kỹ những gì chúng tôi viết, hoặc đọc mà không hiểu vấn đề. Vì chúng tôi không đồng ý với cách giảng “GIỐNG VỊT TO” nhập từ Thái Lan, thì gọi là vịt xiêm (ngan); chúng tôi đâu có phản đối cách hiểu con ngan chính là con “vịt xiêm”?
Để “bác bỏ” chúng tôi ở mục “vịt xiêm”, Thanh Hằng tiếp tục dẫn lời GS. Nguyễn Đức Tồn, cho rằng “GS. Nguyễn Lân đúng, bởi vịt xiêm có gốc từ Thái Lan (từng gọi là Xiêm). Người miền Bắc gọi con vịt gốc Thái Lan là ngan, còn người miền Nam gọi là vịt xiêm –cách gọi theo nguồn trong tiếng Việt”. Theo đây, GS Nguyễn Đức Tồn cũng không hề đọc những gì chúng tôi trao đổi trong mục “vịt xiêm”, nên mới giảng giải như vậy.
Đáng chú ý, trong “Từ điển từ và ngữ Việt Nam”, mục “vịt xiêm”, GS Nguyễn Lân giảng là “GIỐNG VỊT TO, người ta nói nhập từ Thái Lan”; nhưng ở mục “ngan”, GS Nguyễn Lân lại giải thích: “ngan • dt. (động) Loài chim thuộc loại (sic) vịt, đầu có mào, thịt đỏ <> Mua con ngan về làm phở”.
Như vậy, nếu như ở mục “vịt xiêm”, soạn giả đã đồng nghĩa “GIỐNG VỊT TO” với con “NGAN” (“vịt xiêm”), thì khi so sánh cách giải nghĩa giữa “vịt xiêm” với “ngan”, bạn đọc lại thấy, dường như “ngan” với “vịt xiêm” là hai con khác nhau (vì cách mô tả, nhận diện khác nhau).
Trong khi đó, Từ điển Vietlex giải nghĩa “vịt xiêm” và “ngan” như sau: “vịt xiêm d [ph] xem ngan”; mục “ngan” giải thích: “ngan • d. chim nuôi CÙNG HỌ với vịt, nhưng lớn hơn, đầu có mào thịt đỏ”. (“[ph] là viết tắt “phương ngữ” của Từ điển Vietlex).
Như vậy, chỉ qua mục “vịt xiêm” và “ngan”, so sánh với “Từ điển tiếng Việt” của Trung tâm từ điển học Vietlex, bạn đọc đã thấy GS Nguyễn Lân thiếu hẳn kiến thức cần thiết về từ điển học (đơn giản như là các sắp xếp, giải nghĩa những từ đồng nghĩa).
8. GS.Nguyễn Lân giảng: “chim trời cá nước ng Nói người ở nay đây mai đó, khó lòng gặp được: Anh ấy có tính lãng du, chim trời cá nước, biết đâu mà tìm”.
Chúng tôi cho rằng “thiếu nghĩa: của ở đời, không thuộc quyền sở hữu của riêng ai”.
Tuy nhiên, Thanh Hằng dẫn lời GS. Nguyễn Đức Tồn cho rằng: “ông chưa nghe thấy nghĩa “của ở đời, không thuộc quyền sở hữu của riêng ai” cho câu này bao giờ, mà “Chim trời cá nước” nói về con người tự do, nay đây mai đó, ngược với “Cá chậu chim lồng” chỉ sự tù túng, bị giam cầm”.
Dĩ nhiên, GS. Nguyễn Đức Tồn “chưa nghe thấy”, không có nghĩa là thực tế không có thêm cách hiểu ấy. Chúng tôi xin đưa nhanh hai ví dụ chứng minh:
- “Từ điển Việt Nam phổ thông” (Đào Văn Tập – Nhà sách Vĩnh Bảo, Sài Gòn-1951) thu thập và giải nghia thành ngữ “chim trời cá nước [chim giời cá nước] • Chim ở trên trời và cá ở dưới nước. • ngb. Của ở đời, không thuộc quyền sở hữu của riêng ai”.
-“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương-sách đã dẫn) thu thập câu “Chim trời các nước, ai được thì ăn”. Tục ngữ thể hiện đầy đủ ý dân gian muốn nhắn gửi, mà ở dạng thành ngữ “chim trời cá nước” mới chỉ là cách nói mập mờ, “nước đôi: “Chim trời cá nước, ai được thì ăn • Chim trên trời cũng như cá dưới nước ấy mà (đâu phải của riêng ai mà cứ đòi giữ lấy, bởi thế) ai giỏi thì cứ việc bắt lấy mà ăn”.
“Chim trời, cá nước”, hoặc “Chim trời, cá nước, ai được thì ăn” thường được dùng trong một số tình huống, như:
-Câu trả lời đối với ai đó ngăn cản việc bắt bẫy cá nước, chim trời, muông thú vô chủ (ví dụ: “Chim trời cá nước, ông lấy quyền gì mà ngăn cấm tôi?”)
-Lời tự nhủ, hoặc khuyến khích ai đó, thấy chim trời, cá nước, nhưng còn e ngại, không dám săn bắt (ví dụ: “Ôi dào, sợ gì, chim trời cá nước, ai được thì ăn, mình có ăn cắp, ăn trộm của ai đâu mà sợ!”)
Thế nên, trong “Hương rừng Cà Mau”, Nhà văn Sơn Nam mới viết: “Đằng này rắn ri voi thuộc loại chim trời cá nước, ai bắt được nấy hưởng, khỏi đóng thuế cho sở kiểm lâm” [tập 1, tr.298]; hay, trong “Đất rừng Phương Nam”, Đoàn Giỏi viết: “Bộ họ nuôi nó sao, chim trời cá nước, ai bắt được nấy ăn chứ”. [tr.227] (dẫn theo “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam trong hành chức”-Đỗ Thị Kim Liên chủ biên-NXB Khoa học xã hội, 2015).
Mặt khác, chính “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam trong hành chức”, đã ghi nhận một trong số nhiều nghĩa của “chim trời cá nước” là: “không thuộc quyền quản lý hoặc tài sản của ai cả”.
Theo đây, chúng tôi đâu có bịa thêm nghĩa cho thành ngữ “chim trời cá nước”, thưa GS Nguyễn Đức Tồn?
9. Thanh Hằng viết: “Danh từ “Nội các” được GS. Nguyễn Lân giải thích là “Hội đồng Chính phủ của một số nước, gồm thủ tướng và các bộ trưởng”, nhưng Hoàng Tuấn Công \ cho rằng phải chọn theo nghĩa 2 của từ điển Thiều Chửu là “tên bộ quan-nội các gọi tắt là các” và Trần Văn Chánh là “Nội các (nói tắt): tổ các, nội các, tổ chức nội các.”
Sau đó, Thanh Hằng dẫn ý kiến “không đồng tình” của “TS. Lã Trọng Long - nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Hải Phòng”.
Tuy nhiên, xin lưu ý Thanh Hằng và TS. Lã Trọng Long, ở mục “nội các” chúng tôi hoàn toàn không có ý kiến gì về phần giải nghĩa từ vựng. Chúng tôi chỉ nói phần giải nghĩa yếu tố Hán Việt “các” 閣 (trong từ “nội các” 內閣). Cụ thể, chúng tôi viết: “Dù cùng có tự hình là 閣, nhưng “các” 閣 trong “nội các” 內閣, lại là “tên bộ quan”, chứ không phải “lầu gác” (như GS Nguyễn Lân giảng).
Thế nhưng, TS. Lã Trọng Long lại bàn sang chuyện giải nghĩa từ vựng “nội các” và nhận xét: “Nếu giải thích như Hoàng Tuấn Công sẽ làm người đọc hiểu nhầm “nội các” là một quan nhỏ trong triều đình nhà Nguyễn”.
Tương tự như ở mục “lâm bồn”, chúng tôi chỉ bàn đến nghĩa của 2 yếu tố Hán Việt “lâm” 臨, và “bồn” 盆(trong “lâm bồn” 臨盆), hoàn toàn không nói gì đến nghĩa từ vựng của “lâm bồn” mà GS Nguyễn Lân giảng. Không lẽ cả TS. Lã Trọng Long và Thanh Hằng đều không làm được điều tối thiểu là đọc kỹ xem chúng tôi viết những gì, để “trao đổi” lại cho đúng vấn đề cần trao đổi?
10. Thanh Hằng viết: “Nhà văn Ngô Văn Phú cho biết, thời điểm cuốn từ điển của GS. Nguyễn Lân ra đời, vốn từ tiếng Việt chưa phong phú như bây giờ, Việt Nam cũng chưa giao lưu quốc tế rộng như hiện nay. Vì thế, sai sót hay cách hiểu nghĩa khác với hôm nay là bình thường”.
Chúng tôi không rõ, Nhà văn Ngô Văn Phú nói “thời điểm cuốn từ điển GS. Nguyễn Lân ra đời” là thời điểm nào? Không lẽ chỉ mới từ năm 2000 đến nay, mà tiếng Việt đã có sự thay đổi đến mức khiến cho những từ ngữ mà GS Nguyễn Lân giảng vốn đúng, nay trở nên sai như vậy sao? Nhà văn Ngô Văn Phú có thế lấy một vài ví dụ về những từ, ngữ, thành ngữ, tục ngữ, vào thời điểm năm 1989, hay năm 2000 (khi GS Nguyễn Lân biên soạn và xuất bản sách) được người Việt hiểu theo một nghĩa, đến nay lại hiểu theo nghĩa khác, được chăng?
Mặt khác, trong sách “Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu”, chúng tôi đâu có phê phán GS. Nguyễn Lân về việc “vốn từ tiếng Việt chưa phong phú”, cũng không hề có ý đòi hỏi tác giả từ điển phải cập nhật những từ mới sinh ra trong quá trình Việt Nam “giao lưu quốc tế” gần đây.
Hơn nữa, “vốn từ tiếng Việt”, hay “giao lưu quốc tế” đâu ảnh hưởng gì đến việc GS Nguyễn Lân giải thích sai hàng loạt từ, ngữ, thành ngữ, tục ngữ? Phải chăng ý Nhà văn Ngô Văn Phú, vì “vốn từ tiếng Việt chưa phong phú”, “chưa giao lưu quốc tế rộng”, nên khiến GS. Nguyễn Lân khó diễn đạt, giải nghĩa từ ngữ?
Về nguyên tắc tối thiếu trong trao đổi, tranh luận học thuật, theo chúng tôi, bản thân người viết cần phải có nền kiến thức cần thiết, để đưa ra những sở cứ, lập luận của CHÍNH MÌNH (và CỦA MÌNH LÀ CHÍNH), chứ KHÔNG THỂ DỰA HOÀN TOÀN vào sự “trợ giúp”, “hỏi ý kiến” người khác, đặt hết niềm tin vào sự tư vấn kiến thức của người khác.
Bản thân những người ‘trợ giúp” đã thiếu cẩn trọng, đưa ra nhận xét, kết luận đầy cảm tính, chủ quan; đến người được “trợ giúp” lại cũng không đủ khả năng thẩm định đúng sai. Trường hợp, Hằng Thanh xác định, mình chỉ là người làm báo, phỏng vấn ý kiến các chuyên gia một cách khách quan, mục đích truyền tải thông tin tới bạn đọc, hãy để các chuyên gia tự chịu trách nhiệm về những phát ngôn của mình. Thế nhưng Thanh Hằng không dừng ở chỗ cần dừng, mà dựa hoàn toàn vào những nhận xét ấy, rồi tự mình đưa ra kết luận “Cuốn sách ‘bắt lỗi’ nhà giáo Nguyễn Lân cũng mắc nhiều sai sót”, hay khẳng định đầy tự tin “Trên đây chỉ là một vài, chưa phải tất cả, sai sót trong cuốn “Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân – phê bình và khảo cứu”.
Khi tranh luận, đã trích dẫn ý kiến của người khác, thì dù ngắn hay dài, cũng phải đảm bảo trung thực. Tuy nhiên, tác giả Thanh Hằng đã tự ý chính sửa, thêm bớt, diễn đạt lại ý tứ của chúng tôi theo hướng có lợi cho mình. Đây chính là điều tối kỵ trong tranh luận học thuật.
Cuối cùng (nhưng là quan trọng nhất), để đưa ra góp ý, tranh luận, thì điều tối thiểu là bản thân người viết phải đọc kỹ xem người ta viết gì, sai gì, sau đó tra cứu tài liệu để trao đổi. Tuy nhiên, trong số 7 điều mà Thanh Hằng và các vị giáo sư, tiến sĩ cho là chúng tôi “sai sót”, thì 4 điều chúng tôi hoàn toàn không sai (như đã chứng minh trong phần I bài viết); 3 điều còn lại (“vịt xiêm”; “nội các”; “lâm bồn”) là do Thanh Hằng và các vị nhầm lẫn, tức chúng tôi viết một đường, các vị lại trao đổi một nẻo; theo kiểu “Ông nói gà, bà nói vịt”, “Vậu phuối gẳn nà hây loà kha cáy” (Người ta đang nói chuyện bờ ruộng, mình lại nói chuyện vụt chân con gà)[3].

HTC/5/9/2017

Chú thích:

[1]-Nếu độc giả cần tra cứu, tìm hiểu câu “rau muống tháng chín nàng dâu nhịn cho mẹ chồng ăn”, với cách giảng nước đôi của GS Nguyễn Lân, thì độc giả sẽ không biết sai đúng ra sao, nên tin theo các hiểu nào.
[2]-Sách “Luận ngữ” dành hẳn một chương (“Hương đảng”) ghi chép về thói quen sinh hoạt, ăn uống khoa học, cách đây hàng ngàn năm của Khổng Tử như sau: “…Đồ nấu chẳng vừa: chưa chín hay là rục quá, thì ngài chẳng ăn. Và ngài CHẲNG ĐỂ VÀO MIỆNG NHỮNG VẬT TRÁI MÙA…”.
Dịch giả Đoàn Trung Còn chú giải: “…Đồ nấu chưa chín, nếu ăn vào thì sình ruột; còn nấu rục quá thì mất chất bổ, ăn chẳng ngon. VẬT TRÁI THỜI TIẾT, ĂN VÀO HAY SINH BỆNH…”
[3] “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Tày” (Triều Ân-Hoàng Quyết-NXB Văn hoá dân tộc, 1996)

24 thg 9, 2017

VỀ BÀI “CUỐN SÁCH ‘BẮT LỖI' GIÁO SƯ NGUYỄN LÂN .....

VỀ BÀI “CUỐN SÁCH ‘BẮT LỖI' GIÁO SƯ NGUYỄN LÂN MẮC NHIỀU SAI SÓT” CỦA THANH HẰNG (P.I)
                                            HOÀNG TUẤN CÔNG

Ngày 1/9/2017, báo điện tử INFONET (Bộ Thông tin vàTruyền thông) đăng bài “Cuốn sách ‘bắt lỗi’ giáo sư Nguyễn Lân mắc nhiều sai sót” của Thanh Hằng. Dựa vào ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, các giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành ngôn ngữ học, Thanh Hằng cho rằng, tác giả “Từ điển tiếng Việt của GS.Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu”, đã “mắc nhiều sai sót”.
Ban đầu, chúng tôi chọn cách im lặng thay câu trả lời, bởi bài viết của Thanh Hằng đã không đảm bảo những nguyên tắc tối thiểu trong tranh luận học thuật (chúng tôi sẽ nói rõ ở đoạn cuối của phần II bài viết). Tuy nhiên, vì không muốn phụ lòng độc giả đã gửi link bài viết của Thanh Hằng và đề nghị phản hồi(*), nên chúng tôi xin có đôi lời thưa lại như sau:
1.Trong “Từ điển từ và ngữ Việt Nam”, mục “áo rách vẫn giữ lấy tràng”, GS. Nguyễn Lân chú giải “Tràng: cái vạt trước của áo dài”. Chúng tôi không đồng ý, và cho rằng: “Chính xác: “tràng” trong câu tục ngữ này là cái cổ áo chứ không phải vạt trước của áo dài. Nghĩa là, dù áo rách thế nào, cũng phải giữ lấy bộ phận quan trọng nhất của cái áo là cổ áo.
Tác giả bài báo Thanh Hằng khẳng định, “tràng” là “vạt áo”, chứ không có nghĩa nào là “cổ áo”, và dẫn chứng:
“Nhà văn Ngô Văn Phú – người đã dịch số lượng lớn thơ Đường và văn xuôi Trung Quốc, trong đó có “Tể tướng Lưu Gù,” cho biết, GS. Nguyễn Lân đã không sai. “Lĩnh” mới là cổ áo, còn “tràng” là vạt chiếc áo dài. Trong “Từ điển Hán Nôm” trên thivien.net cũng giải nghĩa “lĩnh là cổ áo”, không thấy có mối liên quan nào giữa “lĩnh” với “tràng”!
Nhà thơ Đỗ Trung Lai, người đã dịch hàng trăm bài thơ Đường, cũng cho hay: Tràng là vạt trước của áo dài.
“Từ điển tiếng Việt” của Viện Ngôn Ngữ học do Hoàng Phê chủ biên (tái bản 1992 và 2003) cũng định nghĩa: “Tràng: Vạt trước của áo dài”. Ví dụ: “Níu lấy tràng áo mẹ”.
Từ những “bằng chứng” trên đây, Thanh Hằng đi đến kết luận: “Như vậy, cho đến nay, chưa thấy từ điển nào định nghĩa “tràng” là cổ áo như Hoàng Tuấn Công giải thích”.
Theo chúng tôi, thành tích “đã dịch số lượng lớn thơ Đường và văn xuôi Trung Quốc” của Nhà văn Ngô Văn Phú, hay “đã dịch hàng trăm bài thơ Đường”của Nhà thơ Đỗ Trung Lai (mà Thanh Hằng giới thiệu), hoàn toàn không phải là luận cứ khoa học cho kết luận “tràng” chỉ có một nghĩa duy nhất là “vạt trước của áo dài”. Và ngay cả khi có tới hai cuốn từ điển giảng “tràng” là “vạt trước của áo dài”, cũng không có nghĩa tất cả các cuốn từ điển còn lại, đều chỉ ghi nhận có vậy.
Sau đây là một số minh chứng của chúng tôi:
- “Từ điển Annam – Lusitan – Latinh” (Dictionanrium Annamiticum – Lusitanum - Latinum (thường gọi là “Từ điển Việt - Bồ - La”) do A.de Rhodes biên soạn, xuất bản tại Roma (năm 1651; Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính phiên dịch-NXB Khoa học xã hội, 1991), giải nghĩa: “TLÀNG ÁO: Phần trên chiếc áo che cổ.” (“tlàng” là âm cổ của “tràng”, như chính A.de Rhodes ghi nhận trong các trường hợp khác: “TLÀNG HỘT: tràng hột, chuỗi hột”; “TLÀNG HOA: tràng hoa”…-HTC).
- “Đại Nam quấc âm tự vị” (1896), Huỳnh Tịnh Paulus Của ghi nhận: “Lãnh 領: Tràng; (…) Áo viên lãnh: Áo cổ tròn, áo cổ trịt” (“lãnh” 領chính là âm khác của “lĩnh” 領 - Hán tự nghĩa là cái cổ áo (như chính Nhà văn Ngô Văn Phú đã thừa nhận).
- “Việt Nam tự điển” (1931) Hội Khai Trí Tiến Đức giảng: “領 - lĩnh. Tràng áo (không dùng một mình). Lĩnh tụ 領 袖 tràng áo và tay áo. Chỉ dùng nghĩa bóng để nói người đứng đầu một đảng-phái: Lĩnh-tụ đảng xã hội”.
- “Việt ngữ tinh nghĩa từ điển” (1950) Long Điền Nguyễn Văn Minh giải thích “lãnh” là tràng áo, như “lãnh tụ” là “tràng áo và ống tay áo, chỉ dùng với nghĩa bóng nói người đứng đầu một đảng phái”.
- “Tam thiên tự” (1969), soạn giả Đoàn Trung Còn thích nghĩa: “Y 衣 - Áo; Lãnh 領 - Tràng”.
- Trong “Ngũ thiên tự” (bản Hán - Việt - Pháp), Đoàn Trung Còn chú rõ hơn: “領- lãnh (lĩnh) - tràng (cổ áo) - Col”.
Như vậy, không phải “cho đến nay, chưa thấy từ điển nào định nghĩa “tràng” là cổ áo”, mà ngược lại (và ít nhất) từ 366 năm trước, “Từ điển Việt - Bồ -La” đã ghi nhận “tràng” là “cổ áo”; cũng không phải chỉ có một, mà (ít nhất đến thời điểm này) có tới 6 cuốn từ điển ghi nhận và giải nghĩa “tràng” là “cổ áo”. Thậm chí, chưa cần tới trình độ “dịch hàng trăm bài thơ đường”, mà chỉ cần đọc qua một lượt sách “Tam thiên tự” (Ba ngàn chữ Hán, dùng cho lớp đồng ấu) đã có thể biết, “tràng” (cổ áo) trong tiếng Việt, chính là “lĩnh” 領 trong Hán ngữ.
Theo đây, chúng tôi đâu dám làm một việc tày trời là tự bịa ra cho “tràng” một nghĩa không hề có trong tiếng Việt.
2. Về câu “Áo rách vẫn giữ lấy tràng” (đúng ra là “Áo rách PHẢI giữ lấy tràng”, đồng nghĩa: “Giấy rách phải giữ lấy lề”-HTC), GS. Nguyễn Đức Tồn cho rằng: "Tràng là vạt phía trước của chiếc áo dài, có vai trò quan trọng cả về thẩm mỹ và chức năng che những bộ phận quan trọng nhất của người mặc nên mới có câu 'Áo rách vẫn giữ lấy tràng.' Còn cổ áo không liên quan gì ở đây".
Thực ra, “tràng” (đầy đủ là “tràng vạt”), cũng có một nghĩa là “vạt trước của áo dài” [trong câu “Sụt sùi giở nỗi đoạn trường, Giọt châu tầm tã đẫm tràng áo xanh.” (TKiều)]. Tuy nhiên, “tràng” trong câu “Áo rách phải giữ lấy tràng” (Áo dù rách ở đâu, nhưng phải giữ cho cái cổ áo được lành lặn); hay “Áo cứ tràng, làng cứ xã” (Áo cứ cổ áo mà cầm; làng cứ lý trưởng mà nắm) lại có nghĩa là “cổ áo”, chứ không phải “vạt áo”.
Tại sao vậy?
Về kết cấu, cổ áo là bộ phận mấu chốt, căn bản nhất của cái áo. Bởi vậy, để cầm nắm cho gọn gàng, giũ cho chiếc áo phẳng phiu, người ta đều phải cầm lấy cổ áo (thế nên “lĩnh tụ” 領袖 [lĩnh = cổ áo; tụ = tay áo] được dùng để chỉ nghĩa người đứng đầu một phong trào, một đảng phái là vậy. Về vấn đề này, chúng tôi đã có bài khảo cứu đăng trên báo “Người lao động” và Blog Tuấn Công Thư phòng-6/2017).
Cổ áo (và vai áo) là phần dễ rách nhất của chiếc áo (do cọ xát, thấm mồ hôi nhiều). Về mặt thẩm mỹ, cổ áo là bộ phận gắn liền với khuôn mặt, trực tiếp tôn vẻ đẹp của khuôn mặt. Điểm nhìn chủ yếu khi giao tiếp, là khuôn mặt, với cái nhìn từ ngực áo trở lên cổ áo, chứ không phải là phần vạt áo. Bởi vậy, một cái áo bị rách cổ, hỏng cổ, coi như bỏ đi, vì nếu mặc, sự rách rưới đó sẽ đập ngay vào mắt người đối diện. Thậm chí, cổ áo tuy lành, nhưng người mặc để xộc xệch, nửa gấp vào trong, nửa lận ra ngoài, sẽ bị coi là ăn mặc luộm thuộm, thiếu tề chỉnh, rất khó coi. Thế nên, áo rách chỗ nào thì rách, đừng để rách cổ. Áo rách cổ, hỏng cổ, kể như không còn là chiếc áo nữa. Nghĩa bóng là dù trong hoàn cảnh nào, sa sút, nghèo khó đến đâu, cũng phải giữ được nề nếp, gia phong, những giá trị cơ bản trong đạo làm người. Thế nên Dân gian còn nói: “Áo rách phải giữ lấy tràng, Đủ đóng đủ góp với làng thì thôi” (Áo dù rách ở đâu, cũng phải giữ được cái cổ áo cho lành lặn; cũng như gia cảnh dù nghèo hèn đến mấy, cũng phải tham gia, đóng góp đầy đủ với công việc chung của làng).
Có thể lấy thêm một ví dụ sinh động về tầm quan trọng của chiếc cổ áo. Với người Mường, các cô con gái thường may sẵn rất nhiều váy áo để dành đến khi lấy chồng. Tuy nhiên, lúc sắp đi làm dâu, thì áo mới được viền cổ, váy mới được tra cạp. Áo chưa làm cổ, coi như chưa thành áo; váy chưa tra cạp, coi như chưa thành váy (dẫu có lúc “bí”, muốn lấy ra mặc, cũng không mặc được). Bởi vậy, thành ngữ Mường “Ào lúa đà t’ra coỏc” (Áo lụa đã viền cổ) chỉ những người con gái đã đi lấy chồng, đã đem những chiếc áo quý, để dành lâu nay ra viền (may, tra) hoàn chỉnh cổ áo để sử dụng. (xem “Thành ngữ Mường” – Cao Sơn Hải – NXB Văn hoá thông tin-2013).
Trong khi đó, vạt áo là bộ phận không bao giờ bị rách trước cổ và vai (vì vạt áo không chịu sự cọ xát khi vận động, cũng không bị thấm mồ hôi mặn). Bởi vậy, nếu áo đã rách vai, rách cổ, thì dẫu không cần “GIỮ”, vạt áo vẫn lành lặn như thường. Mặt khác, xét về phương diện thẩm mỹ và kết cấu, thì vạt áo không phải là điểm nhấn quan trọng nhất của chiếc áo, càng không phải bộ phận mấu chốt của áo. GS Nguyễn Đức Tồn cho rằng vạt áo có “chức năng che những bộ phận quan trọng nhất của người mặc” là thiếu cơ sở. Vì vạt áo chỉ phủ ở phần ngoài từ cạp quần trở xuống. Theo đó, chức năng che “bộ phận quan trọng nhất của người mặc” chính là cái quần, chứ không phải vạt áo (trừ trường hợp người mặc áo cởi truồng).
Tục ngữ cũng có câu “Áo dài chớ ngại quần thưa”. Trong trường hợp đặc biệt này, toàn bộ phần dưới của chiếc áo dài (chứ không phải mình “tràng” = vạt trước áo dài) sẽ che bớt cái sự “hở hang”, do khiếm khuyết của cái quần thưa, quần rách tạo ra. Dĩ nhiên, lúc này câu tục ngữ phải là “Quần rách (hoặc quần thưa), phải giữ lấy tràng”, chứ không phải “Áo rách phải giữ lấy tràng” nữa.
3. Thanh Hằng viết: “Bàn về thành ngữ: “Chó già, gà non,” Hoàng Tuấn Công cho rằng, GS. Nguyễn Lân giải thích “thịt chó già không tanh, thịt gà non mới mềm” là sai, vì theo anh “câu này không có ý khen 2 món ăn đều ngon như cách hiểu của GS. Nguyễn Lân, mà là 2 thứ không ngon. Thịt chó già thì dai nhách, còn gà non thì chỉ để nấu cháo”.
Ở mục này, Thanh Hằng đã trích dẫn không trung thực. Nguyên văn, chúng tôi viết: “Câu này không có ý khen hai món ăn đều ngon như cách hiểu của GS Nguyễn Lân. Ngược lại, chó già, gà non đều là hai thứ không ngon. Chỉ cần xem các quán thịt chó trương tấm biển Cầy tơ bảy món cũng đủ hiểu. Cầy tơ chính là thịt con chó tơ. Thịt chó già dai nhách, ăn làm sao ngon được? Còn gà non chỉ phù hợp để nấu cháo”.
Theo đó, Thanh Hằng đã tự ý chỉnh sửa từ ngữ, nội dung đoạn trích (được đưa vào ngoặc kép), đồng thời bỏ hẳn đi hai câu rất quan trọng trong lập luận của chúng tôi. Nghĩa là để phản biện ý cho rằng, “chó già” mới ngon, chúng tôi đã dẫn chứng lời chào mời hấp dẫn của các nhà hàng Cầy tơ bảy món. Đây là cứ liệu rất quan trọng, vì nó cho thấy kinh nghiệm ẩm thực này đã được số đông thừa nhận; thịt “chó già” không bao giờ được ưa chuộng. Có nghĩa, nếu GS Nguyễn Lân đúng, thì tất cả các nhà hàng thịt chó phải đổi tấm biển “Cầy tơ bảy món”, thành “Chó già bảy món” mới phải. Tuy nhiên, khi trích dẫn, Thanh Hằng đã bỏ ý này đi, khiến lý lẽ của chúng tôi thiếu sức thuyết phục.
Câu “Ngược lại, chó già, gà non đều là hai thứ không ngon” của chúng tôi, bị Thanh Hằng diễn đạt lại thành “MÀ LÀ 2 thứ không ngon”. Tiếp đến, hai câu “Thịt chó già dai nhách, ăn làm sao ngon được? Còn gà non chỉ PHÙ HỢP để nấu cháo”, của chúng tôi, bị Thanh Hằng sửa thành “Thịt chó già THÌ dai nhách, còn gà non THÌ chỉ để nấu cháo”. Chúng tôi đâu có viết “MÀ LÀ”, đâu có dùng hai chữ “THÌ” trong cùng một câu, lủng củng như Thanh Hằng trích dẫn? Mấy chữ “CHỈ PHÙ HỢP” cẩn trọng của chúng tôi, qua ngòi bút của Thanh Hằng, bỗng trở thành “chỉ để”. Mặt khác, "Chó già, gà non" chúng tôi xếp vào loại "tục ngữ", chứ không phải "thành ngữ", như Thanh Hằng viết.
4. Thanh Hằng viết: “Các nhà văn Hà Phạm Phú, Ngô Văn Phú và Văn Chinh đều cho rằng “Chó già, gà non” là thành ngữ nói về ẩm thực. Việc Hoàng Tuấn Công áp đặt thêm vào từ “thiến”, thành câu “Chó thiến già, gà thiến non” thật khó thuyết phục!”
Thực ra, “Hoàng Tuấn Công” đâu dám tự tiện “áp đặt thêm” cho câu tục ngữ dân gian “từ thiến”! Bằng cứ, nếu các vị chịu khó gõ câu tục ngữ “Chó thiến già, gà thiến non” vào google, thì sẽ ra hàng loạt kết quả trùng khớp văn bản tục ngữ và nghĩa mà chúng tôi đã giải thích. Ngoài ra, “Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương-NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh-2010) cũng thu thập dị bản “Chó già, gà non”, sau đó hướng dẫn độc giả xem cách giải thích dị bản đồng nghĩa “Chó hoạn già, gà hoạn non: chó thì nên hoạn khi đã già; gà thì nên hoạn khi còn non (mới mong khỏi bị lại giống)”.
5. Thanh Hằng viết: “Theo GS. Nguyễn Đức Tồn, “Chó già, gà non” là câu khá mơ hồ nếu tách khỏi ngữ cảnh. Nếu nói về ích lợi thì có thể hiểu là nên chọn chó già vì có kinh nghiệm trông giữ nhà, còn gà non để nuôi sẽ thu hoạch tốt hơn. Nếu nói về ẩm thực, chó già (nhưng không phải là già “khú đế”) sẽ dai, có độ ngậy và ngon; gà tơ ăn mới ngon. Như vậy, tùy theo ngữ cảnh mà vận dụng”.
Tuy nhiên, “Chó già, gà non” chỉ “mơ hồ” đối với người không hiểu kinh nghiệm sản xuất của nông dân, chứ không hề mơ hồ đối với chính người nông dân, hoặc với những ai đã từng am hiểu thực tế.
Đối với chó, thông thường người ta chỉ thiến khi nó đã ở độ tuổi thành thục (đã biết giao phối tốt). Vì theo kinh nghiệm dân gian, lúc này, bộ phận tinh hoàn và mào tinh hoàn của chó đã phát triển đầy đủ, rõ ràng, dễ bóc gọn, lấy hết. Trong khi, nếu chó thiến non, lúc này tinh hoàn chưa phát triển đầy đủ, mào tinh hoàn (còn gọi "tinh hoàn phụ") chưa có (vì nó phát triển chậm hơn tinh hoàn). Thế nên, dẫu bóc được tinh hoàn non rồi (điều này rất khó), thì mào tinh hoàn (sẽ hình thành sau này), vẫn kích thích tính hăng và ham muốn giao phối của con chó đực (cho dù chó không còn khả năng truyền giống). Bởi vậy, với chó thì phải “thiến già” mới tốt.
Với gà, dân gian thường thiến non (cụ thể lúc mào gà bắt đầu có màu đỏ tía, cất tiếng gáy te te, muốn “đạp mái”). Lúc này, “dái gà” đã hình thành đầy đủ, nhưng hệ thống mạch máu và các dây chằng chưa nhiều; khoảng cách từ vết mổ đến vị trí “trứng dái” hãy còn đủ ngắn để với ngón tay đến mà moi nó ra một cách trọn vẹn, ít gây đau và mất máu cho gà.
Ngược lại, nếu để gà già rồi mới thiến, lúc này các tổ chức như dây chằng, mạch máu ở cuống “dái gà” đã phát triển, rất dai và chắc. Gà già (đã to lớn), nên khoảng cách từ vết mổ đến buồng “trứng dái” cũng đã xa, ngón tay với vào rất khó chạm đến nơi (khi thiến gà, người ta thực hiện theo phương pháp “nội soi”, tức thò ngón tay vào moi “dái gà” bên trong, chứ không thực hiện “mổ phanh” bên ngoài như thiến chó).
Bởi vậy, nếu thiến gà già (“trứng dái” to, cuống dai), khi “cấu” được hai hòn “dái gà” ra, thì hay bị sứt, bị sót. Thậm chí có những con gà thiến già, bị chảy máu trong nhiều, bỏ ăn, rồi chết. Trong khi đối với chó, kể cả những con chó đã “đi đực” nhiều năm, lang thang khắp làng trên xóm dưới, người ta sợ mất, mới đem thiến, vẫn rất an toàn.
Mặt khác, đối với gà, nếu xác định không để làm giống, thì người ta phải thiến sớm để vỗ béo, chứ không ai để gà già, đi đạp mái khắp xóm, rồi mới thiến. Với những con trống già loại thải, thì người ta thịt luôn, chứ không ai còn đem thiến để vỗ béo nữa.
“Chó già, gà non” (“Chó thiến già, gà thiến non”) là vậy.
Do đã thuộc “nằm lòng” ý nghĩa câu tục ngữ, nên dân gian tạo ra dị bản rút gọn, chỉ còn mang tính quy ước “Chó già, gà non”, thay vì “Chó thiến già, gà thiến non”. Giống như câu “Khôn chi khôn trẻ, khoẻ chi khoẻ già”, được rút gọn thành “Khôn trẻ, khoẻ già”. Những câu này chỉ “mơ hồ” đối với người không hiểu mà thôi!
Tục ngữ nói về kinh nghiệm sản xuất được đúc kết từ thực tế sản xuất của nhân dân. Bởi vậy, để hiểu được nó, phải dùng chính kinh nghiệm thực tế ấy để soi sáng, chứ không thể ngồi mà đoán già, đoán non được. Theo đó, chính cách gán cho tục ngữ “Chó già, gà non” một số nghĩa như: “nên chọn chó già vì có kinh nghiệm trông giữ nhà, còn gà non để nuôi sẽ thu hoạch tốt hơn”; hay “nói về ẩm thực, chó già (nhưng không phải là già “khú đế”) sẽ dai, có độ ngậy và ngon”của GS Nguyễn Đức Tồn mới là “mơ hồ”.
Vì sao vậy?
Vì trông giữ nhà là bản năng của con chó nhà. Hễ thấy người lạ, từ chó con đến chó lớn, chó tơ đến chó già đều sủa vang; vừa sủa vừa xông vào cắn dữ dội, “đẩy lùi” sự “xâm nhập” của kẻ lạ mặt. Bởi vậy, đâu cần phải đợi đến lúc già, con chó mới “tích luỹ” được “kinh nghiệm trông giữ nhà”? Mặt khác, giống “chó ta” đa phần đều chỉ luyến chủ, quen nhà, khi được chủ nuôi từ nhỏ. Không ai đi chọn mua con chó già nhà khác về để nuôi giữ nhà, với mục đich khai thác "kinh nghiệm trông giữ nhà" của nó, như cách tưởng tượng của GS Nguyễn Đức Tồn.
Với nuôi gà cũng tuỳ. Nếu ấp nuôi từ gà con lên, sẽ giảm tiền mua giống, nhưng tỉ lệ hao hụt đầu con lớn (vì gia súc, gia cầm non dễ chết); trong khi nếu mua loại gà nhỡ, hay đã mọc đuôi tôm về nuôi, thì tỉ lệ chết sẽ ít, nhưng tiền đầu tư giống lại cao. Bởi vậy, không có căn cứ để nói “gà non để nuôi sẽ thu hoạch tốt hơn”.
Tóm lại, nếu quý vị đem câu tục ngữ “Chó già, gà non” (“Chó thiến già, gà thiến non”)-một kinh nghiệm thiến chó, thiến gà-để áp dụng cho “văn hoá ẩm thực”, chúng tôi không phản đối. Vì đó là sở thích ăn uống riêng của quý vị. Nhưng nếu nói rằng, dân gian đã truyền dạy kinh nghiệm ăn uống như vậy, thì trước sau chúng tôi vẫn bảo lưu ý kiến: dân gian không dại dột như thế. Những món khoái khẩu từ ngàn đời mà dân gian đã tổng kết, chính là “Cầy tơ bảy món”, “Cơm chín tới, cải ngồng non, gái một con, gà nhảy ổ đẻ”. Còn “Chó già, gà non” đơn giản chỉ là kinh nghiệm lựa chọn thời điểm thiến chó, thiến gà mà thôi!
HTC/9/2017


(*)-Bài viết “CUỐN SÁCH ‘BẮT LỖI” GIÁO SƯ NGUYỄN LÂN MẮC NHIỀU SAI SÓT” của Thanh Hằng vốn trước đó đã được gửi cho GS Nguyễn Lân Dũng; GS Nguyễn Lân Dũng gửi cho nhiều người; nhiều người lại “chuyển tiếp” cho chúng tôi. Sau khi bài chính thức đăng trên INFONET, và trang cá nhân của Thanh Hằng (FB Hằng Thanh), bạn đọc lại tiếp tục dẫn link bài đề nghị chúng tôi có phản hồi. Bởi vậy, chúng tôi có bài viết này, mục đích thưa lại cho rõ.