8 thg 10, 2017

VỀ CUỐN SÁCH PHÊ BINH KHẢO CỨU CỦA HOÀNG TUẤN CÔNG (2-2)

XÃ (TRONG LÀNG CỨ XÃ) LÀ GÌ <TIẾP KỲ 1>
2. Xã (trong Làng cứ Xã) là gì?
Để hiểu Xã trong Làng cứ Xã là gì cần lướt sơ qua về tổ chức nhà nước và chế độ quan tước của triều Hậu Lê và triều Nguyễn.
a) Triều hậu Lê:
-Nhà Lê chia đất nước Việt thành các Lộ (có khi gọi là Xứ, trấn); Dưới Lộ là Quận, Huyện. Dưới Huyện là cấp cơ sở (Lý và Tổng). Cứ 25 đến 100 nóc nhà được gọi là một Lý , đứng đầu một Lý là Lý Trưởng. Cứ 7 đến 10 Lý là một Tổng, đứng đầu một tổng là Chánh Tổng..
- Thời mới giành độc lập, Lê Lợi đặt chế độ quan tước gồm Vương, Công, Hầu. Tước Công có Quốc Công, Quận Công và Hương Công; tước Hầu có Thượng huyện Hầu, Huyện Hầu, Hạ Huyện Hầu và Hương Hầu (còn gọi là Thập Lý Hầu), [Được ngày nay coi là có công lớn trong cuộc khởi nghĩa chống quân Minh giành độc lập cho dân tộc nhưng Nguyễn Trãi ngày mới giải phóng chỉ được phong Hạ Huyện Hầu dưới Trần Nguyên Hãn và 18 công thần hội thề Lũng Nhai nhiều bậc ].
- Thời Lê Thánh Tông : Ông vua này học tập Tước chế phong kiến Phương Bắc, định chế độ tước vị gồm Tước Vương (Thân Vương và Tự thân vương), Tước Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Tước vị để phong cho người có Quân Công (chiến trận) và những quan lại có công lao đặc biệt. Các quan lại hưởng lộc vua ban theo 9 nấc Từ Nhất phẩm đến Cửu phẩm, lại có từ Tòng nhất phẩm đến Tòng cửu phẩm. Khoảng cách của phẩm hàm là 10 tư. Người nào được tưởng thưởng hoặc niên thưởng đủ 10 tư thì thăng phẩm.
- Các đời sau Lê Thánh Tông, do chiến tranh liên miên, triều đình thiếu tiền tiêu nên sinh chuyện bán quan mua tước, trong đó có hai tước vị không được hưởng quan lộc là Nhiêu và Xã. Người giàu bỏ tiền ra mua Nhiêu và Xã tùy theo số tiền triều đình quy định mà được miễn phu phen tạp dịch (Nhiêu) và Miễn phu phen và đi lính (Xã). Thế là ở nông thôn xuất hiện một lớp người có của ăn của để mua tước vị Xã được miễn phu phen và miễn lính, khi đình đám được ngồi chiếu trên mâm cao cỗ đầy, ra đường được gọi anh Nhiêu, ông Xã chứ không bị gọi là thằng như những lớp người nghèo.
Việc bán quan mua tước bị các nhà Nho coi là thối nát nên cực lực phản đối nhưng nó đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của triều đình và ước muốn có địa vị của người có tiền nên được duy trì trong nhiều năm cho tới triều Nguyễn.
b) Triều Nguyễn : Thời mới thống nhất đất nước, Nguyễn Ánh làm vua chỉ đổi các lộ trấn thống nhất thành trấn và 2 tổng trấn ở hai đầu đất nước.
- Năm 1834, vua Minh Mạng cải cách hành chính triệt để theo mẫu hình nhà Mãn Thanh, bỏ Trấn, Tổng Trấn, lập các tỉnh trên toàn đất Việt, dưới tỉnh là huyện (Quận). Cấp cơ sở Lý được đổi thành Làng (thôn), đổi Tổng thành Xã nhưng người đứng đầu Làng (thôn) vẫn là lý trưởng, đứng đầu xã vẫn là Chánh Tổng, vẫn giữ chế độ bán tước Nhiêu và Xã cho tới thời Bảo Đại trị vì. Thời Kháng chiến chống Pháp về các làng thôn ở Huyện Thạch Thành vẫn còn thấy gọi anh Nhiêu, ông Xã theo tước vị được mua thời phong kiến nhưng không còn được miễn trừ đi dân công hay đi bộ đội vì tước vị này không phải nhà nước VNDCCH bán. Đến nhiều vùng quê Thanh Hóa có hỏi: "Nhà bác có ai đi bộ đội không ?" nhiều khi được trả lời: " Cám ơn bác, nhà em trời cho no đủ, không ai phải đi bộ đội cả" là cách trả lời của lớp người Nhiêu xã ở nông thôn xưa.
Trở lại câu : Áo cứ tràng, Làng cứ Xã ở đây nên hiểu nghĩa đen là với cái áo thì cổ áo (nẹp vạt áo) là nơi lành lặn đẹp đẽ của chiếc áo (dài) mà người ta mặc, với làng quê thì lớp người lành lặn giàu có trong làng là các ông Xã. Và xã không phải xã trưởng (chức xã trưởng chỉ xuất hiện sau này trong các làng tề thuộc chính quyền ngụy thân Pháp) chứ ngay chính thể VNDCCH cũng không gọi là Xã trưởng mà gọi là Chủ tịch UB hành chính (kháng chiến), chủ tịch UBND xã. Nghĩa bóng của câu này là ở mỗi vật hay mỗi tổ chức xã hội đều có những vị trí, bộ phận tốt đẹp (xuất chúng) hơn các vị trí (bộ phận) khác, nếu thấy được và biết tận dụng các vị trí bộ phận ấy thì có thể hữu ích cho người cần tác động hay tiếp cận đến nó..
(Còn tiếp nhiều ký nữa)