24 thg 4, 2014

ĐÃ THẤY SÓNG HẤP DẪN BAN SƠ CỦA TẠO HOÁ

ĐÃ THẤY SÓNG HẤP DẪN BAN SƠ CỦA TẠO HOÁ1
  Bài copy từ DIỄN ĐÀN FORUM, tác giả  Nguyễn Xuân Xanh

                                  Điều quả không thể hiểu được ở vũ trụ là nó có thể hiểu được.

                                                ALBERT EINSTEIN


      Chúng ta đang sống trong thời của những ngọn gió vũ trụ thổi dồn dập vào hồn. Bản giao hưởng vũ trụ do con người viết ấy có thêm những giai điệu mới. Hai năm trước, lần đầu tiên boson Higgs đã được con người nhìn thấy. Thế giới ăn mừng. Đó là hạt cơ bản cực kỳ nhỏ bé nhưng lại có nhiệm vụ “gia trì” cho mọi thứ vật chất thấy được trong vũ trụ để tồn tại, trong đó có bản thân chúng ta. Kỳ diệu thay.
     Giai điệu đó chưa dứt thì ngày 17. 3.2014 vừa qua nhóm nghiên cứu BICEP2 dưới sự lãnh đạo của các giáo sư GS John Kovac, Clem Pryke, Jamie Bock và Chao-lin Kuo tuyên bố trong một cuộc họp báo tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithson rằng sóng hấp dẫn từ buổi ban sơ của lịch sử vũ trụ: từ thời điểm 10 mũ (âm 34), (tức là một phần tỉ tỉ tỉ tỉ) giây sau big bang (hãy tưởng tượng giây phút vi phân này!), đã được con người nhìn thấy! Kinh ngạc và kỳ diệu thay! Đó là giai đoạn mà, theo thuyết big bang, vũ trụ từ một bào thai vô cùng nhỏ nhưng với một năng lượng cực lớn trong khoảnh khắc đã phát triển đột biến thành “lạm phát” một phát kiến tình cờ nhưng vĩ đại của Alan Guth và chuyển động với tốc độ hơn ánh sáng theo đủ mọi hướng. Đó là thời kỳ “chuyển dạ” và “đau đẻ” của tạo hóa.2 Thần Vệ nữ không còn dấu diếm được bí mật cuộc sinh nở của mình.
      Tại buổi buổi họp báo ở Harvard các nhà khoa học hàng đầu nói lên sự đồng tình của mình: khám phá sóng hấp dẫn ban sơ của nhóm nghiên cứu BICEP2 (Background Imaging of Cosmic Extragalactic Polarization) rất xứng đáng với giải Nobel.
       Làm sao con người có thể đứng trên quả đất bằng hạt bụi này giữa biển thiên hà trùng trùng điệp điệp lại có thể “nhìn thấy” những gì xảy ra ở lúc big bang cách đây 13.7 tỉ năm ánh sáng? Bức xạ của vũ trụ ban đầu, sau ngần ấy thời gian và khoảng đường, đã nhạt yếu đi nhiều và xoắn lại, nằm trong những mẫu vân bị phân cực của sóng vi ba vũ trụ, được biết dưới tên kiểu-B. Vậy mà con người vẫn còn nhận ra được. Điều đó giống như tìm được kim dưới đáy biển!
       Cho đến nay, các nhà vật lý chỉ quan sát được bức xạ nền (cosmic microwave background radiation, đơn giản CMB) ở dạng sóng điện từ của vũ trụ từ thời điểm năm thứ 380.000, một trạng thái thực ra vẫn còn là “sơ sinh” của vũ trụ. Đó cũng chính là một dạng tàn dư của Big Bang. Vào thời điểm đó vũ trụ tiếp tục giãn nở nhưng nguội dần để cho các nguyên tử hydro và helium hình thành và vật chất kết tinh lại thành sao, thiên hà. Do sự kết tinh đó, các đám mây bức xạ trở thành “quang đãng” trong vũ trụ, ánh sáng mới truyền đi được không phải bị cản trở, người ta có thể quan sát dễ dàng hơn. Đi ngược về trước, người ta chỉ thấy “sương mù”. Bức xạ nền này được quan sát hết sức tình cờ bởi hai nhà vật lý Mỹ Arno Penzias và Robert Wilson của Bell Labs 50 năm trước. Dĩ nhiên, hai ông được tưởng thưởng giải Nobel sau đó.
      Các nhà khoa học từng có ý nghĩ rằng bức xạ nền này có thể chứa đựng dấu vết của sóng hấp dẫn ban sơ. Vệ tinh COBE nhận thấy có những thăng giáng nhỏ xíu trong cái biển phẳng lặng của bức xạ nền. Martin White và Lawrence Krauss năm 1992 cho rằng các sóng hấp dẫn của Big Bang đã làm cho bức xạ nền “gợn sóng”. Chính sự gợn sóng đó sẽ cho thông tin về sóng hấp dẫn ban sơ. Đó là đầu mối của các sự khảo sát.




Bản đồ của bức xạ vũ trụ nền (CMB) từ thời gian năm 380.000 sau Big Bang. (Nguồn NASA) Sự biến thiên màu sắc tương ứng với biến thiên nhiệt độ của vũ trụ trẻ: đó là những hạt giống cho các vì sao và thiên hà ngày nay chúng ta quan sát. Các nhà thiên văn học nghi ngờ ẩn chứa trong bức tranh này là dấu ấn thứ hai có thể tiết lộ cho chúng ta sóng hấp dẫn ban sơ: ánh sáng bị phân cực. Một sóng hấp dẫn sẽ ép không-thời gian lại theo một hướng (vũ trụ sẽ nóng hơn tí), và giãn nó ra theo một hướng khác (vũ trụ nguội hơn tí). Các photon của ánh sáng sẽ tán xạ với một chiều ưa thích, để lại một dấu ấn chút ít phân cực trên CMB khi sóng hấp dẫn đi qua. Khám phá các mẫu phân cực còn có thể cung cấp một chứng cứ rằng ngay sau Big Bang vũ trụ giãn nở với tốc độ hàm mũ, do đó bị lạm phát, với một hệ số ít nhất 1025. Lạm phát là cơ chế duy nhất có khả năng phóng đại các sóng hấp dẫn sinh ra từ các thăng giáng lượng tử trong lực hấp dẫn thành các tín hiệu có thể dò ra.

        Có thể nói, một trong những điều thú vị là với BICEP2 các nhà vật lý đã “xộc” được vào vùng năng lượng cực kỳ cao của vũ trụ lúc lạm phát, Mười mũ mười sáu gigaelectronvolt, vùng mơ ước của các máy gia tốc trên trái đất. Đấy cũng là vùng năng lượng mà ở đó theo thuyết Đại thống nhất (Grand Unified Theory, GUT) người ta tin rằng ba lực cơ bản của thế giới, điện từ, lực yếu và lực mạnh, trở thành một thể thống nhất không phân biệt được. Hơn nữa, nếu những sóng hấp dẫn diễn ra trong giai đoạn của các thăng giáng lượng tử của lạm phát, điều đó có nghĩa rằng, trong giai đoạn đó, hấp dẫn và lượng tử được thống nhất làm một, điều bao người đã mơ ước? Thuyết hấp dẫn lượng tử (quantum gravity) có cơ sở, cũng như việc lượng tử hóa hấp dẫn vào một cội nguồn.


Thí dụ sóng hấp dẫn như sóng gợn trong tấm vải không-thời gian (Courtesy of Brian Greene)



Lịch trình các giai đoạn phát triển của vũ trụ. (1) là giai đoạn các sóng hấp dẫn được sinh ra trong những thăng giáng lượng tử ngay sau big bang. (2) Sóng được phóng đại lên bởi lạm phát thành những tín hiệu. (3) Sóng được in hằn thành những mẫu vân của bức xạ nền của sóng vi ba vũ trụ. (Courtesy of Sean Carroll)
     Ai phát hiện ra sóng hấp dẫn này đầu tiên? Đó là Albert Einstein. Ông đã nghiên cứu sóng này năm 1916 dựa trên các phương trình trường của thuyết tương đối rộng của ông vừa hoàn tất, được trình bày trước Hàn lâm viện Khoa học Phổ, và việc nghiên cứu kéo dài đến 1918. Theo ông, vật chất ở dạng khối lượng hay năng lượng gây ra độ cong của không-thời gian bốn chiều, làm cho nó không còn là hình học phẳng Euclid nữa, mà phi-Euclid cong. Nếu khối vật chất đó biến động, nó sẽ gây ra sóng của các độ cong và truyền đi trong không-thời gian, giãn ra và co lại.3 (Khác với sóng điện từ truyền trong không gian 3 chiều) Sóng hấp dẫn giống như một cuộc động đất trong không-thời gian. Một supernova nổ cũng gây ra các sóng hấp dẫn. Có thể tưởng tượng một cô gái ngồi trên cầu đung đưa hai chân trên mặt nước gây ra các đợt sóng. Các sóng hấp dẫn sẽ tạo nên sự phân cực trong bức xạ nền, gây ra “gợn sóng” bức xạ nền, và nhóm BICEP2 đã tìm thấy dấu ấn của chúng trong đó. Sự quan sát này là cực kỳ khó khăn. Do năng lượng hấp dẫn truyền đi trong không gian ngày càng yếu đi, giống như ánh sáng. Einstein hoài nghi con người có thể quan sát được chúng.
      Năm 1969 Joseph Weber tin rằng mình đã khám phá sóng hấp dẫn bằng cách sử dụng những thiết bị thô sơ gồm hai thanh aluminum treo trong chân không. Khi một sóng hấp dẫn đến, nó sẽ làm giãn chúng ra theo chiều thẳng góc với sóng và ép chúng lại. Stephen Hawking cũng muốn chế tạo thiết bị dò thử để kiểm tra kết quả ngạc nhiên của Weber. Nhưng dĩ nhiên tất cả không đơn giản như thế.




     Hai người khám phá đầu tiên sự tồn tại của sóng hấp dẫn (thông qua việc sử dụng kính thiên văn radio) là Joseph Taylor và Russell Hulse vào năm 1974 từ một cặp sao neutron (một trong đó là pulsar) có chuyển động quanh nhau.4
     Trong khi đó, các thiết bị dò được chế tạo rất nhạy cảm từ những năm 1970, trong đó có các máy dò LIGO, nhạy cảm cả mười triệu lần hơn thiết bị thô sơ của Weber, nhưng cho đến 2013 vẫn chưa có sự phát hiện nào tin cậy về sóng hấp dẫn ban sơ. Nhưng sóng hấp dẫn ban sơ phải đợi đến BICEP2 mới giải quyết được, như được công bố ngày 17.3 vừa qua.


Viễn vọng kính BECIP2 ở phía trước, đón nhìn ‘sóng chuyển dạ’ của vũ trụ. (Steffen Richter/Associated Press)

      Lịch sử vũ trụ học có ba thuyết khác nhau:
      Thuyết đầu tiên là thuyết big bang của Georges Lemaître và George Gamov những năm 1920 thế kỷ trước dựa trên thuyết tương đối rộng Einstein.
      Thuyết thứ hai của Fred Hoyle về một thế giới “tĩnh” (Steady State) mà TS Nguyễn Trọng Hiền gọi là “trạng thái vĩnh hằng”, không tiến hóa. Hoyle từ chối thuyết của Lemaître và Gamov mà ông gọi nó bằng cái tên “Big Bang”. Từ đó có cái tên lịch sử. Thuyết này chiếm được cảm tình của nhà thờ.
      Thuyết thứ ba của nhà vũ trụ học Cambridge Neil Turok là vũ trụ trải qua một chuỗi big bang không có khởi đầu và kết cục, do đó không có sóng ban sơ.
      Khám phá sóng hấp dẫn ban sơ là một chứng cứ mạnh mẽ nhất cho thuyết Big Bang. Với khám phá sóng hấp dẫn, Stephen Hawking cho rằng mình đã “thắng cược” trước Turok. Ông này vui và hồn nhiên thật. Mới năm rồi ông thua cược $100 vì hạt Higgs, bởi ông cá rằng không thể nào có cái gọi là hạt Higgs.


Galilei với chiếc kính viễn vọng trong tay (Wiki)

         Vật lý từ thế kỷ 20 đầy những điều kỳ diệu, và còn tiếp tục. Khoảng một thế kỷ trước (1919), thế giới kinh ngạc khi các đoàn thám hiểm Anh công bố ánh sáng trên trời bị lệch đi trong vùng mặt trời theo đúng góc lệch của tiên đoán Einstein bằng thuyết tương đối rộng! Tòa nhà vật lý Newton lung lay, và Einstein qua đêm đã trở thành người “anh hùng toàn cầu”. Khoa học đã lần lượt vén những bức màn huyền bí che mắt, từng lớp, lớp thô trước, lớp tinh sau, và tạo ra những“‘cảm xúc vũ trụ” thi vị. “Chúng ta không là gì cả”, như nhà thơ Đức F. Hölderlin nói, “nhưng những gì chúng ta đi tìm là tất cả.” 


TS Nguyễn Trọng Hiền và Jamie Bock (Caltech/JPL) trò chuyện với Robert Wilson (Harvard, phải), tại cuộc họp báo vừa qua. Wilson là một trong hai người phát hiện ra bức xạ nền 50 năm trước, thiết lập cơ sở thực nghiệm cho mô hình Big Bang. Wilson kể “Hoyle đến cuối đời vẫn không chấp nhận thuyết Big Bang.”       
       Khám phá sóng hấp dẫn diễn ra trước thềm kỷ niệm 100 năm thuyết tương đối rộng vào năm 2015 tới. Đối với cộng đồng Việt Nam khám phá này càng làm tăng thêm cung bậc cảm hứng khi một thành viên của nhóm BICEP2 là người Việt Nam, TS Nguyễn Trọng Hiền của Đại học Caltech. Cũng khó tưởng tượng nổi về mặt con người, một thanh niên của khúc ruột miền Trung nghèo khó, vượt mọi khó khăn từ khoảng cách hụt hẫng to lớn của hai nền văn hóa trong nỗi nhọc nhằn và nước mắt, can đảm chấp nhận mọi thử thách để làm một cuộc viễn du cô đơn vào những miền cội nguồn của vũ trụ. Và giờ đây Anh là một trong những người đầu tiên nhìn thấy ánh sáng của giây phút ban sơ, lúc thời gian, không gian và năng lượng quyện nhau trong một bào thai bắt đầu cuộc khởi động dữ dội như đau đẻ để tạo thành vụ trụ bình yên hôm nay. Những giây phút trải nghiệm đó, niềm vui đó, lên đến tột đỉnh, chắc chắn không gì quý hơn trong cuộc đời đối với Anh.  Xin chúc mừng và có lời khâm phục Anh.
                                                                            N.X.X

                                                                  Tháng Ba, 2014

CHÚ THÍCH
1 Một phần của bài này đã được đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 30-3-2014. Xin đọc thêm bài trả lời phỏng vấn authentique của TS Nguyễn Trọng Hiền trong số đó.
2 TS Hiền cho biết cuộc kiểm tra vừa qua diễn ra ở băng tần 150 GHz. Sắp tới sẽ có thêm một cuộc kiểm tra ở băng tần 100 GHz. Lúc đó mới có kết luận chung cuộc.
3 Henri Poincaré dường như đã đề cập sóng này năm 1908 lúc chưa có thuyết tương đối rộng của Einstein. Ông nói, trong một thuyết hấp lực tương đối tính, có thể có sự phát ra các “ondes d’acceleration” (sóng gia tốc).
4 Điều thú vị là hai sao này ngày càng tiến gần nhau theo hình xoắn ốc, rất chậm, do chính các sóng hấp dẫn chúng phát ra liên tục tông (ngược) vào chúng; và mỗi năm chúng gần nhau 2,7 phần tỉ khoảng cách chúng, đúng theo tiên đoán của định luật Einstein. “Khi các sóng hấp dẫn truyền vào không gian, chúng gây ra một phản lực lên các sao, như phản lực tác dụng lên cây súng khi súng vừa bắn ra”, Kip Thorne giải thích. “Phản lực của các sóng đẩy các sao vào gần nhau và ngày càng nhanh hơn, nghĩa là phản lực làm cho các sao chuyển động chầm chậm theo đường xoắn ốc vào nhau.” Không gì khác hơn có thể giải thích, ngoài các cú tông bằng sóng hấp dẫn khiến cho các sao này tiến gần nhau, như Kip Thorne viết. Taylor và Hulse nhận được giải Nobel năm 1994.


  CÁM ƠN NGUYỄN XUÂN XANH  đã cho đăng bài này 

20 thg 4, 2014

CHÚC MỪNG SINH NHẬT NGỰA MỎI CHÂN RỒI 25-04-2014

ĐÀ NẴNG BẮN PHÁO HOA CHÚC MỪNG
 SINH NHẬT NGỰA MỎI CHÂN RỒI 25-04-2014
Lời NoiLieuhaha:
Để chào mừng sinh nhật ngựa em bước vào U bảy, thành phố Đà Nẵng cho bắn pháo hoa chúc mừng:

(Cố gắng chờ chút chút, hình hiện ngay bây giờ 
NHIỆT LIỆT CHÚC MỪNG SINH NHẬT NGỰA MỎI CHÂN RỒI

18 thg 4, 2014

XỬ LÝ NHANH CÁC SỰ CỐ KHI SỬ DỤNG LAPTOP

XỬ LÝ NHANH CÁC  SỰ CỐ KHI SỬ DỤNG LAPTOP

 Đăng lại bài trên TechnoStorm chép từ  

Về phần cứng: Khó thực hiện nên không đưa vào bài này
Về phần mềm:

1. Không kết nối được giữa các máy tính trong mạng LAN

Trong các công ty, thường sẽ có một máy tính đảm trách nhiệm vụ làm máy chủ máy in (kết nối trực tiếp với máy in); máy scanner hoặc một máy tính dùng chia sẻ dữ liệu chung cho mọi người. Tuy nhiên, một lúc nào đó các máy tính khác không thể kết nối được với nhau.

Nguyên nhân của hiện tượng này chính là do máy tính đó được truy cập quá nhiều từ các máy tính khác trong mạng LAN, khi đó máy tính này thực hiện việc từ chối các truy cập mới.

Để khắc phục, bạn đến máy tính đó, bấm chuột phải và My Computer => Manage => Shared Folders => Sessions => Xóa bớt các máy tính đã truy cập trước đó.

2. Laptop hoạt động chậm chạp, ì ạch

     Một lúc nào đó, bạn sẽ thấy laptop của bạn hoạt động rất ư là chậm chạp, mở các tiến trình dù là nhỏ nhất như Windows Explorer, Internet Explorer, Microsoft Word, Excel,… bạn cũng phải tốn rất nhiều thời gian. Vấn đề này là thường xuyên đối với những chiếc laptop đã cũ, nhiều năm tuổi.

    Thường thì người dùng luôn nghĩ đã đến thời điểm thay thế hoặc nâng cấp cấu hình máy. Tuy nhiên, với một chút kiến thức về hệ điều hành bạn có thể tự khắc phục và giúp máy tính chạy nhanh hơn mà không phải bỏ ra một số tiền lớn để nâng cấp hoặc sắm một chiếc máy tính mới nếu nhu cầu chưa cần thiết.
      Sau đây là một số nguyên nhân và thủ thuật giúp bạn xử lý hiện tượng laptop chạy "ì ạch":
      - Nguyên nhân: Do xung đột phần mềm, chạy quá nhiều phần mềm "nặng" khiến RAM quá tải, driver của máy bị lỗi hoặc do máy tính đang bị nhiễm virus.

      - Xử lý:
       + Kiểm tra spyware (phần mềm gián điệp), malware (phần mềm độc hại), virus bằng các phần mềm antivirus có bản quyền như Bkav Professional 2014, Kaspersky Antivirus,…hoặc phần mềm miễn phí của chính Microsoft phát triển như Microsoft Security Essentials, Microsoft Windows Malicious Software Removal Tool.
       + Cập nhật các bản vá lỗi cho Windows thường xuyên, sử dụng những tính năng có sẵn của Windows để chống phân mảnh ổ cứng (Defragment), dọn dẹp sạch các file rác trong Recycle Bin (Empty Recycle Bin), xóa những tập tin thư mục không còn dùng đến, chọn chế độ load các phần mềm cần thiết khi khởi động Windows (bạn chọn Start => Run, gõ: "msconfig" => chọn tab Startup, bạn tắt (bỏ dấu check) những phần mềm không cần khởi động cùng Windows).
       + Kiểm tra các phần mềm vừa cài đặt có xung đột với hệ thống hay không? Nếu có thì gỡ ra và tìm cho máy tính một phần mềm khác có tính năng tương tự nhưng dung lượng nhẹ hơn. Hiện tượng xung đột cũng do người sử dụng cài một lúc 2 phần mềm diệt virus trở lên, bạn chỉ nên sử dụng 1 phần mềm antivirus trên máy tính mà thôi (sử dụng AV có bản quyền sẽ giúp bạn quét virus hiệu quả nhất và được các chuyên gia hỗ trợ khi gặp sự cố virus tấn công). Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý các ứng dụng (application), dịch vụ (service) phần mềm có bị lỗi khi hoạt động hay không, bạn có thể kiểm tra bằng cách nhấn phím chuột phải vào My Computer => Manage => Event Viewer => Windows logs => chọn xem mục Application hoặc System để xem, nếu bạn thấy có dấu chấm than màu vàng hoặc dấu chéo màu đỏ (Error) thì bạn nên kiểm tra lại các ứng dụng, dịch vụ hoặc cài đặt lại để khắc phục các lỗi này.

 3. Không thể kết nối Wifi


       - Nguyên nhân: thấy có biểu tượng đã kết nối Wifi nhưng không có kết nối Internet, vào trình duyệt web mà không hiển thị được nội dung. Hoặc trước đó người dùng đã tắt (Disable) tính năng Wifi trên laptop để tránh hao pin khi không dùng mạng. Sau một thời gian, biểu tượng Wifi biến mất khỏi thanh taskbar. Đa số người dùng lúc này tự hỏi: "Tại sao máy tính tôi không kết nối được Internet bằng Wifi?".
       - Xử lý:
        + Kiểm tra chức năng không dây trên laptop đã bật chưa, kiểm tra router (modem) có đang giải mã tín hiệu tốt không (đèn báo trên router có nhấp nháy như bình thường không)? Nếu đèn không nhấp nháy như bình thường, bạn cần tắt router (modem) đi, chờ vài giây rồi mở lại để thiết bị nhận lại tín hiệu mạng.

       + Sau khi router (modem) đã nhận tín hiệu đầy đủ nhưng laptop vẫn chưa thấy có tín hiệu Wifi, trường hợp này tính năng Wifi bị Disable, bạn làm theo các cách sau:
       - Tại Start => Run, gõ "devmgmt.msc" và nhấn Enter, vào Network Adapters chọn Enable(Hoặc vào Start => Control Panel => System => Hardware => Device Manager rồi vào Network Adapters để Enable lại.
      Hoặc Bấm chuột phải vào My Computers => Manage => Device Manager rồi vào Network Adapters để Enable lại.)
      Trên một số dòng laptop, người dùng có thể tạo dựng thói quen tắt/bật Wi-Fi bằng cách bấm cùng lúc tổ hợp phím chức năng Fn+F2; Fn+F5 (có biểu tượng sóng Wi-Fi).
      Trên đây là các sự cố liên quan đến phần mềm laptop có thể gặp khi sử dụng laptop mà ta có thể xử lý nhanh. Với một ít kiến thức về máy tính, biết cách xử lý các trường hợp đơn giản, bạn sẽ không còn bối rối trước những tình huống khó khăn hơn.
      Dù thế nào đi nữa, bạn hãy bình tĩnh, giải quyết bằng khả năng của mình, nếu không được hãy nhờ đến người thân, bạn bè hoặc các chuyên gia giúp đỡ với những tình huống "khó chịu" hơn nhé.
Theo VnReview

15 thg 4, 2014

BẬT MÍ VỀ "QUYỀN NĂNG" GỖ SƯA

THƯƠNG LÁI TÀU BẬT MÍ VỀ "QUYỀN NĂNG" GỖ SƯA

                Bởi Theo PLVN | Vef.vn – 15-04-2014

Niềm tin gỗ sưa chữa được nhiều bệnh tật
      Đem những thắc mắc về gỗ sưa hỏi một người Trung Quốc (tên phiên âm Hong Dan, người Chiết Giang) từng có nhiều năm buôn gỗ, anh này cho biết: "Quả thực gỗ sưa là một loại gỗ quý, có giá trị sưu tập rất cao. Những năm gần đây, tại Trung Quốc đang có trào lưu sưu tập đồ gia dụng cổ bằng gỗ sưa. Chắc chắn người sưu tập đều rõ như lòng bàn tay về giá trị vật chất ngoài thị trường của vật mình sưu tập. Tuy nhiên, không hẳn ai cũng biết rằng ngoài giá trị về mặt sưu tập, gỗ sưa còn có tác dụng thần kỳ đối với sức khỏe con người".
    Theo người này, gỗ sưa có mùi thơm nhạt, nhưng dễ ngửi, là tượng trưng cho sự cao quý, vinh hoa. Những gia đình quan lại giàu có thời cổ đại thường chọn gỗ sưa làm nguyên liệu đóng tủ đựng quần áo. Càng lâu ngày, quần áo để trong đó càng có mùi thơm, khi mặc vào, người ta thấy tinh thần sảng khoái vô cùng, có thể nói là rất kỳ diệu.


       Ngoài ra, trước đời Thanh, trong hiệu thuốc, bột gỗ sưa là một loại dược liệu rất quý. Sau này, do nguyên liệu gỗ sưa khan hiếm nên thậm chí một số hiệu thuốc còn thu mua hoặc đem đồ gia dụng bằng gỗ sưa của nhà mình ra nghiền thành bột để bốc thuốc. Đây có thể cũng là một nguyên nhân khiến các đồ gia dụng ít có cơ hội được lưu truyền về sau.
      Vậy tại sao trước đây các vua chúa và các gia đình quyền quý ở Trung Quốc thường dùng gỗ sưa làm đồ gia dụng và coi đó như một loại dược liệu thượng đẳng, một bảo vật khó kiếm? Người này cho biết, cây gỗ sưa quý là cây đã sinh trưởng qua hàng trăm năm, có cây có tuổi đời tới 800 năm, do đó đã tích tụ một năng lượng hết sức kỳ lạ. Khi con người tiếp xúc lâu và thường xuyên, nó có thể khiến người ta thay đổi khí huyết, trừ bệnh tật, kéo dài tuổi thọ.
      Thậm chí, những người trước đây có hàm răng xỉn màu, khi tiếp xúc lâu với gỗ cũ (gỗ sưa từ 100 năm trở lên), răng có thể trắng trở lại. Không ít người cũng tin rằng dùng bột nghiền của gỗ sưa đun với nước để đắp vào chỗ bị đau bệnh có thể đả thông kinh lạc, hoạt huyết, thúc đẩy tuần hoàn và giảm áp lực máu.
     Bột gỗ sưa còn có thể dùng để điều trị bệnh ngoài da, như bệnh chàm (eczema). Cách thức chữa bệnh được giới thiệu như sau: Dùng 1g bột gỗ sưa, 3g hùng hoàng, 1g axit salicylic, 10g nước dấp cá, 2g thất lý tán (hỗn hợp: Trân châu, tổ yến, hoàng liên, khổ hạnh nhân, bán hạ, mạch nha, phục linh, trần bì, thần khúc, cam thảo, hổ phách...) trộn đều bôi lên chỗ da bị chàm mỗi ngày một lần.
      Ngoài ra, gỗ sưa cũ thường tán phát ra ngoài một loại vật chất được gọi là "mộc dưỡng". Loại vật chất này có tác dụng an thần, tỉnh táo, khi thường xuyên sử dụng có thể thúc đẩy việc tái tạo các tế bào, phòng chống các nếp nhăn và sự lão hóa của cơ thể, thậm chí góp phần giúp phục hồi các chức năng tạng phủ trong cơ thể.
    Sử dụng đồ gia dụng bằng gỗ sưa như giường tủ, bàn ghế, thời gian tiếp xúc lâu sẽ có hiệu quả điều hòa khí huyết, duy trì sắc đẹp, tránh lão hóa, phòng bệnh ung thư.
     Gỗ sưa không chỉ có tác dụng làm đẹp, nó còn có tác dụng chữa bệnh xương khớp. Dùng bột gỗ sưa hòa với dấm trắng, sau đó đắp vào chỗ khớp bị xưng, cứ 10 ngày một liệu trình chữa trị, khoảng 3 liệu trình như vậy xương khớp sẽ gần như hết đau nhức.
      Thực tế, gỗ sưa có tác dụng như vậy là do nó có thể điều hòa khí huyết. Các mạch máu lưu thông, chức năng thận tạng cải thiện. Thận lại được coi là "tiên thiên chi bản, bách bệnh chi nguyên", tức là nguồn của bách bệnh, thận lại chủ về xương khớp, sinh ra tủy, thông với não nên thận khỏe thì mọi bệnh tật tiêu tán, trẻ lâu, trường thọ.
    Vì vậy, tiếp xúc một thời gian với gỗ sưa, khí sắc con người cũng sẽ tốt lên, da dẻ hồng hào, hai mắt có thần hơn, không bị ù tai, xương cốt chắc khỏe, tăng cường trí nhớ, trấn tĩnh, không sợ hãi, người này cho biết thêm. Gỗ sưa càng để lâu càng đẹp nên khi chế tác thành đồ mỹ nghệ, tác dụng tán phát các chất "mộc dưỡng" càng nhiều.
Hiểu biết để bảo tồn
    Tiếp tục đi tìm lời giải về gỗ sưa, phóng viên đã liên lạc một người bạn là bác sĩ Trung y khá am hiểu về loại gỗ trên. Người này cho biết, gỗ sưa loại lâu năm quả thực có tác dụng chữa bệnh vì trong gỗ có rất nhiều chất như: Isoliquiritigenin, pterostilbene, pterocarpin,narrin, santalin, angiolensin, homopterocarpin, prunetin, formonoetin, p-hydroxyhydratropic acid, pterofuran, pterocarpol.
     Các chất này có tác dụng chữa bệnh phong, làm liền vết thương, hồi phục cảm giác nóng lạnh cho người bệnh, giảm đau cho phụ nữ đau bụng kinh, giảm đau và chữa trị bệnh xương khớp, điều tiết lượng đường trong máu của người tiểu đường và giảm các biến chứng như hồi phục chức năng sinh lý, cải thiện vấn đề tiền liệt tuyến, bài tiết sỏi thận và bàng quang.
   Các chất này cũng giúp ức chế u ung thư, ban đỏ, bệnh về huyết quản, chứng mất trí, bệnh nha chu, cơ tim, hen xuyễn. Đơn cử như chất Pterostilbene, có tác dụng kháng ô-xy hóa, kháng tăng sinh tế bào, giảm mỡ máu, giảm áp lực máu. Có giá trị lớn trong y học, ứng dụng trong điều trị bệnh ung thư, cao huyết áp, mỡ máu cao. Homopterocarpin ứng dụng trong y học là tiêu sưng giảm đau. Pterocarpin có tác dụng chống nấm, hoạt tính kháng ung thư...
     Ngoài ra, gỗ sưa còn được coi là tuyệt phẩm trong các loại gỗ bởi tính rắn chắc, màu sắc hoa lệ, vân gỗ đẹp, bền, được vua chúa và vương công quý tộc sử dụng. Gỗ có mùi hương vĩnh hằng, bách độc không thể ngấm vào nên thường được dùng làm tràng hạt, có ý nghĩa tránh tà ma và tật bệnh. Từ đó, gỗ sưa còn được con người gán cho ý nghĩa tâm linh.
        Một cây sưa ở Hà Nội bị "sưa tặc" đốn hạ.
     Do ở ngoài tự nhiên gỗ sưa có tốc độ sinh trưởng rất chậm mà ở thời nào thì con người cũng ráo riết tìm cách đốn hạ chúng nên ngày nay gỗ sưa cũ (cây sưa lâu năm) đã không còn nhiều.
     Hy vọng bài viết này sẽ giúp người dân Việt Nam hiểu rõ hơn giá trị của những cây gỗ sưa cổ thụ hiếm hoi đang còn sót lại để từ đó có biện pháp bảo vệ, bảo tồn chúng hiệu quả trước sự săn lùng của "sưa tặc", để một tài sản quý của quốc gia không "chảy máu" ra ngoài lãnh thổ, từ đó sau này thế hệ con cháu chúng ta còn có dịp tận mắt thưởng ngoạn loại "đệ nhất gỗ" này.

12 thg 4, 2014

THÁNG TƯ - MÙA HOA LOA KÈN

THÁNG TƯ - MÙA HOA LOA KÈN

Tháng tư nở rộn hoa loa kèn
Nôm Kiều thư pháp viết cùng em
Đời nghèo dung dị, tình tiêu sái
Xuân tận, thu tàn, sống say men





8 thg 4, 2014

VUA HÙNG, KHI NÀO?

VUA HÙNG, KHI NÀO?

      UNESCO đã cấp bằng xác nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” vào dịp giỗ tổ Vua Hùng năm 2013, và người Lao động Việt Nam đều được nghỉ một ngày (10-3 âm lịch) theo luật Lao động của CHXHCNVN từ năm 2007 là ngày giỗ tổ Vua Hùng. Thế nhưng nhiều câu hỏi vấn vít trong đầu óc những người tỉnh táo rằng: Vua Hùng có thật trong lịch sử không, nếu là thật thì có từ khi nào? 4894 năm (2622+258+2014) về trước hay ~2700 năm (2014 + 682)? Cả một hệ thống các nhà sử học, khảo cổ học, ngôn ngữ lịch sử học trong và ngoài nước đã làm việc hết mình để trả lời câu hỏi này.
     Để thỏa mãn người đọc không thích đọc, xin tóm tắt thế này:
1) Vua Hùng là có thật. Không nói đến khảo cổ và truyền thuyết thì sách vở của người Hán, người Việt đã xác định điều: trước khi người TQ xâm chiếm nước Việt, ở đấy đã có một ông vua cai quản đất nước này.
    a) Sách “Giao Châu ngoại vực ký” được Lê Tắc trích dẫn vào “An Nam chí lược” của mình, trong mục “Cổ tích” có viết: “Hồi xưa, chưa có quận huyện (tức là khi phong kiến TQ chưa xâm lược đất Việt) thì Lạc Điền tùy theo thủy triều lên xuống mà cày cấy. Người cày ruộng ấy là Lạc Dân, người cai quản dân gọi là Lạc Vương, người phó là Lạc Tướng… Vua nước Thục thường sai con đi chinh phục các Lạc, nhân đó cứ giữ đất Lạc mà tự xưng là An Dương Vương…
     “Giao châu ngoại vực ký” là bộ sách không còn nữa nhưng các sách vở trích từ “Giao châu Ngoại vực ký” như “Thủy Kinh chú” (Lịck Đạo Nguyên, 466 – 527, Bắc Ngụy), “Tự trị thông giám (Tống)… chép lại, chứng tỏ là tài liệu có thực). An Nam chí lược của Lê Tắc cũng ít được nhắc đến vì đó là tác phẩm của “tên Việt gian, tay sai của Trần Ích Tắc bán nước).
      Ở nơi là đền Hùng ngày nay, An Nam chí (thời triều Minh TQ - 1419) nói có “cung cũ của Lạc Vương”, đồng thời cũng nhắc đến Hùng Vương ở các văn đoạn khác.
     Tên Hùng Vương cũng được nhắc đến khoảng thế kỉ V trong sách Nam Việt chí của Trung Quốc.
      Chữ Lạc trong (Âu) Lạc, Lạc (Vương) trong văn bản chữ Hán tuy được viết theo nhiều kiểu khác nhau: 駱 (Sử ký Tư Mã Thiên) 雒 (Thủy Kinh Chú), 貉 (Lạc Long Quân) nhưng cùng mang một nôi dung chứng tỏ đấy là một từ bản địa được phiên âm sang tiếng Hán mà không phải tác giả người Hán tự đặt ra. (Người ta đã “thống nhất tán thành” trong một hội thảo rằng “Lạc” là phiên của từ “nác” thời Hùng Vương, là “nước” như “nước lã”, “nước sôi” ngày nay, nhưng quên mất rằng người Hán không có tật nói ngọng “lờ” , “nờ” như người “Hà Lội” và để phiên âm từ “nác” (Việt) thì người ta đã có từ Hán “nặc 匿 (trong nặc danh: dấu tên” hay nặc 諾 trong nặc ngôn: lời hứa) gần gũi hơn “Lạc” chứ. “Lạc” là âm Hán Việt, cứ coi như âm HV là âm Hán đời Đường, nhưng chữ này được viết ra từ thời Hán (Tư Mã Thiên, Hoài Nam Tử chẳng hạn) thì âm Hán là gì khó mà xác định được, chỉ biết rằng tất cả các chữ “lạc” này đều được hài thanh bởi chữ “các 各” mà chữ “các” lại còn hài thanh cho chữ “Khách 客”, … nên nó phải là từ đa âm như ckhac (cờkhơ) hay khcac (khờcơ)… Nếu lưu ý đến tính lịch sử của ngôn ngữ và thuận với ngữ cảnh ghi trong Giao Châu Ngoại vực ký – (Thủy kinh chú, Lịck Đạo Nguyên, 466 – 527 chép lại) thì chữ Lạc (bính âm hiện nay là luo) ghi âm cho từ ló (tiếng Việt cổ), lúa (Việt Nam) là hợp lý hơn, ta có lạc điền là ruộng lúa, lạc dân là dân (trồng) lúa… Lạc vương là vua (vùng đất trồng) lúa…
     Không tán thành với các nhà sử học hễ chỗ nào không giải thích được thì cho là chữ viết nhầm, viết sai, có người đã đề xuất rằng ở đất Việt ta có hai vua: Lạc Vương là ông vua cai trị dân trồng lúa (Lạc dân) miền đồng bằng và Hùng Vương là ông vua miền trung du (Phú Thọ…) của người Tày Thái (sử Tàu gọi là người Liêu, sử gia ta như Trần Quốc Vương dịch trong Đại Việt sử ký toàn thư là người Lạo – những dân tộc thiểu số sống bằng nghề săn bắn hái lượm, trồng lúa nương du canh.., đến thời Lý Trần còn sinh sống ở Thanh Oai ngày nay). Một thực tế không thể phủ nhận là dòng họ Ma (mà bây giờ gọi là họ Mè) thường tự nhận là dòng họ vẫn thờ cúng vua Hùng lâu đời nhất và là dòng họ con cháu của vua Hùng.
2) Hùng Vương, Tại sao?
     Nếu không phải là hai vua Lạc và Hùng khác nhau thì tại sao lại là 18 đời Hùng Vương? Có người nói vì Ông vua đầu (Kinh Dương Vương) làm vua ở tận Hồ Động Đình (gồm toàn bộ đất Bách Việt từ phía Nam sông Trường Giang) bao gồm cả đất Sở mà Sở Vương họ Hùng thì vua ta cũng là Hùng Vương, nhưng sử gia Tạ Chí Đại Trường cho biết: Đếm đi đếm lại chỉ thấy trong sử nước Sở có 17 vua Hùng thôi. Lại nữa: Trong ĐVSKTT, phần Ngoại sử (Quyển V, trang 1b ĐVSKTT 1697) có viết: Năm 605, … Tùy Dạng Đế nghe nói Lâm Ấp có nhiều báu lạ, cho Lưu Phương làm Giao Châu đạo hành quân tổng quản đem quân đánh Lâm Ấp … lấy được 18 bộ thần chủ trong miếu đếu đúc bằng vàng (tức là 18 đời vua)… Như thế đến TK VII, nước Lâm Ấp đã có 18 đời vua, lẽ nào ta kém họ? cho nên mới có 18 đời vua Hùng, nhưng các sử gia đời Trần – Hậu Lê sáng tạo ra 18 đời vua Hùng trong 2622 năm khiến cho sau này Vũ Kim Biên phải vất vả bịa ra mỗi ông vua trị vì những hơn 100 năm và sống tới 500 tuổi, làm cho cả thế giới phải trố mắt mà khâm phục các nhà văn hóa Việt Nam giàu sức sáng tạo.
3) Hùng Vương, khi nào?
     Kinh Dương Vương thì làm vua nước Xích Quỷ ở tận Hồ Động Đình nhưng các vua Hùng, theo sách vở nho sĩ Việt thế kỉ XIV và sử chính thức đều xác định thuộc Phong Châu trên đất Việt chứ không phải ở hồ Ðộng Ðình nữa, điều đó có vẻ xác nhận rằng hai sự kiện Âu Lạc và Hùng Vương là ghép từ hai dòng truyền thuyết của hai địa phương khác nhau. Nguồn gốc phân hai như thế đã dẫn đến sự tranh giành thứ bậc ai làm “ông tổ Việt”. Sử quan Nguyễn đã cãi nhau nên đặt Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân là “vua mở đầu nước Việt” hay là Hùng Vương? Hùng Vương thắng thế là nhờ lời quyết định của Tự Ðức. Ngay cả ngày nay, danh vị “Quốc tổ” cứ tùy từng lúc, từng người đề cập mà xoay quanh các ông Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương đến chóng mặt…. (Trích của Tạ Chí Đại Trường).
    Một lời giải hợp lý hơn là đoạn sử trích từ Việt Sử lược (Viết khoảng TK XIV triều Trần, được Trần Quốc Vượng (bản viết tay) đưa về từ tứ khố thư ở Trung Quốc: “Ðến đời Trang Vương nhà Chu (692-686 tCn.) ở bộ Gia Ninh có người lạ dùng xảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang… truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương”.
     Các nhà sử học Việt Nam đang còn ngần ngại với cái tuổi Bốn ngàn năm văn hiến có 18 vua Hùng, mỗi ông cai trị khoảng 150 năm, nhờ Trần Quốc Vượng mà có được ông Hùng Vương trẻ hơn, (18 đời vua, 424 năm = 682-258, trung bình mỗi ông vua trị vì 23,5 năm, khá hợp lý đấy, NL chú thích) ! Tuy nhiên blogger Quach Hien gần đây lại lôi ra bản chữ in gốc của Trung Hoa, chỉ ra một chữ khác, đọc theo Hán Việt và viết ra quốc ngữ là ÐỐI 碓 Vương. Cả trên trang in lại của ông Ngô Văn Thịnh, nhân việc dịch Ngọc phả đền Hùng, cũng cho thấy đó là chữ “đối 碓” với nghĩa là cái cối (giã gạo)… Hoàng Hải Vân (Trung Quốc 2008, dẫn theo Nguyễn Phúc Anh, Ðặng Quỳnh Trang 2011) cho rằng đó là sai lạc từ chữ “lạc 雒” (bộ Các) mà ra, hình như để chúng ta ngầm hiểu “lạc 雒” là gốc, phát sinh ra “hùng 雄”, “đối 碓”, và do đó Hùng Vương mới có mặt trong bản sao của Trần Quốc Vượng. Vậy thì câu chuyện “Hùng Vương ở bộ Gia Ninh” còn phải mắc nghẽn qua một giả định chuyển đổi tự dạng (Trích của Tạ Chí Đại Trường).
4) Cúng giỗ vua Hùng, khi nào?
     Theo Giáo sư Tiến sĩ Ngô Ðức Thịnh trong cuộc Hội thảo Phú Thọ 2013 thì: “Từ thời đại các vua Hùng đến nay, các danh xưng Lạc Long Quân – Âu Cơ, Quốc tổ Hùng Vương, Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Ðồng Tử – Tiên Dung đã trở thành các biểu tượng của lịch sử – văn hoá dân tộc, trong đó chứa đựng hệ ý thức quốc gia dân tộc đầu tiên của nước ta, dân tộc ta. Ý thức đó hẳn đã tồn tại trong tiềm thức của người Việt cổ, dù trải qua một nghìn năm Bắc thuộc vẫn không phai mờ. Chính vì vậy ngay từ khi phục hồi nhà nước tự chủ cuối thế kỉ X, các triều đại độc lập đầu tiên đã nâng việc thờ vua Hùng thành Quốc tế (?)…”
     Thực tế lịch sử thì không như ông Giáo sư này tự sướng: Từ nhà Đinh cho đến triều Trần người ta không thấy bóng dáng ông Hùng Vương nào trong các bảng phong thần của triều đình, trong khi triều Lý, Trần phong vương rồi đại Vương cho An Dương Vương, bê cả ông thần núi Đồng Cổ ở Thanh Hóa ra thờ ở Thăng Long, đưa nữ thần Chiêm Thành cả Linga, Iony bà "Banh" (sau gọi trại đi là bà Đanh) về thờ ở kinh thành thì cũng không thấy danh mục nào nhà nước thờ cúng Vua Hùng. Ngay cuốn Đại Việt sử ký của Lê văn Hưu đời Trần (TK 13) cũng không chịu đưa vua Hùng vào vì cho rằng người viết sử nghiêm túc không đưa những truyền thuyết hoang đường vào sử. Vua Hùng suốt 4 triều đại độc lập tự chủ (Đinh, Lê, Lý, Trần) vẫn chỉ là ông thần làng xã và chỉ có người làng xã sở tại biết đến và thờ cúng. Mãi đến TK 14 trong các cuốn sử “tư nhân” như Việt sử lược của Sử Hy Nhan (vốn họ Trần được vua cho đổi họ) và Trần Chu Phổ rồi Việt Sử cương mục của Hồ Tông Thốc thì Vua Hùng mới có nét rõ ràng trong lịch sử.
    Năm 1470, vua Lê Thánh Tông cho gọi trưởng tộc vùng Hy Cương (đền Hùng) về kinh, cho tiền cho ruộng để lập đền thờ vua Hùng, lại cho một ông Tiến sỹ viết ngọc phả Hùng Vương, từ đó Vua Hùng mới được nhà nước công nhận và có đường vào chính sử (ĐVSKTT).
     Thế nhưng việc thờ cúng vua Hùng vẫn chỉ ở cấp làng xã.
     Trên Tấm bia đá 1923 “Hùng miếu kỉ niệm bi” (Văn khắc Hán Nôm 1992: 580) ghi rõ chuyện trùng tu đền Hùng lần đầu năm 1909 tốn 2000 đồng công quỹ, tiếp theo có việc sửa đền Thượng năm 1915, cuối cùng là năm 1921 (Khải Ðịnh thứ 6) với công trình lớn “dựng 7 gian quán, sửa giếng, tạo chính tẩm, bái đường, sắm tế khí (tổng cộng tổn phí?) hết 2125 đồng 8 hào, 41 tiền (xu?)”. Về ngày lễ, bia 1923 ở đền Thượng (“Hùng miếu điển lệ bi”, Văn Kim Chung 2008, Trịnh Sinh 2011*) ghi rõ: “Tục lệ dân xã (Hi Cương, phủ Lâm Thao) lấy ngày 11-3 kết hợp với việc thờ thổ kì, làm lễ riêng. Từ nay lấy ngày 10-3… phụng mệnh kính tế trước một ngày”. 
    Vậy ngày lễ Giỗ với câu ca dao: 
          “Dù ai đi ngược về xuôi
   Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba” 
       chỉ mới bắt đầu sớm nhất là năm 1923 đó, đến nay là có tuổi vừa đủ Chín mươi, đâu được như ông GSTS tự sướng tới 6 thế kỷ?
5) Vua Hùng, có mấy vua Hùng?
      Có 18 vua Hùng nhưng tên tuổi thì không có.
     Theo nhà sử học Tạ Chí Đại Trường: …“Các ông vua Hùng sơ khởi chỉ được đếm theo mấy con số thôi. Tình trạng gọi tên vua theo số này, kéo dài đến đầu nửa sau thế kỉ XVI (Dương Văn An 1555) mới thêm một ông thứ Mười Ba, ngẫu nhiên, không nệ đến sự kiêng cữ của người Tây. Nói khác đi, các ông vua Hùng lúc đầu không có tên, thua cả bất cứ thằng bé nào ở nhà quê xứ Việt, nói gì đến thuỵ hiệu, niên hiệu, miếu hiệu giống các ông vua theo truyền thống văn hoá Trung-Việt khác. Mãi đến năm được ghi chép là 1572, có ông Nguyễn Bính còn ở xứ Thanh của nhà Lê chưa phục hưng mới đưa ra hai thuỵ hiệu Hùng Hiền Vương và Hùng Duệ Vương, mà cũng không thấy nêu thứ bậc. (Về các thuỵ hiệu trong Ngọc phả thì nơi có nơi không, cùng thuỵ hiệu không cùng thời đại, lẫn lộn cách đọc, ví dụ ông Ngô Ðức Thọ cho ông thứ 18 là Hùng Tuyền Vương, còn Bùi Quang Hùng thì nhất định đọc là Duệ Vương). Ngay đến sự đặt tên này cũng chỉ thấy trên bia đá chứ không ghi vào sử nhà nước. Không thấy có thêm một tên nào khác, ngay cả trên các bia khắc vào thời Nguyễn muộn (1889, 1907, 1910).
     Thế mà Ty văn Hóa Phú Thọ dám cho Vũ Kim Biên xuất bản cuốn sách có đủ tên, hiệu miếu hiệu, số vợ, con của các Vua Hùng rồi được lập tượng ở Pleiku với các bảng hiệu rất chi tiết nhưng toàn chứa các danh từ Hán Việt (mà thời vua Hùng thì Việt Nam ta đâu đã giao lưu với Tàu để có các từ Hiền Vương, Duệ Vương, Quốc Vương...). Thật là sáng tạo vĩ đại của TK 21!
     Đối với mấy ông bà già cả thì chuyện “Vua Hùng, khi nào?” là quan trọng, nhưng với một số con cháu mình thì “mười tám đời vua Hùng, hai ngàn sáu trăm năm hay tám mươi đời vua Hùng sáu ngàn hai trăm năm không quan trọng, quan trọng là ngày mai 10 tháng 3 âm lịch, chúng được nghỉ học, nghỉ làm việc mà vẫn có lương!
    Giá nhà nước cho nghỉ thêm một ngày giỗ ông vua Lạc (Lạc Long Quân chẳng hạn (dựng ruộng lúa) nữa thì hay biết mấy!
Tài liệu tham khảo:
1) Đại Việt sử ký toàn thư, bản in năm Chính Hòa 18 (1697);
2) Thần, Người và Đất Việt của Tạ Chí Đại Trường, 2004;
3) Các triều đại Việt Nam của Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng
4) HÙNG VƯƠNG và UNESCO… Tạ Chí Đại Trường 2013.

5) An Nam chí lược của Lê Tắc.

5 thg 4, 2014

LẠY CON CHÁU VUA HÙNG

LẠY CON CHÁU VUA HÙNG
(Bài đăng của HẠT CÁT TỪ 06-2013, NHÂN DỊP Giỗ Tổ Vua Huàng NoiLieuhaha chế biến cho đăng lại để nhiều người được thưởng thức bằng công cụ Slideshare). Xin cám ơn Hạt Cát đã đưa về.