28 thg 2, 2021

ĐẦU XUÂN CHÚC CỤ NGÔ VIỆT 80 XUÂN

 

ĐẦU XUÂN CHÚC CỤ NGÔ VIỆT 80 XUÂN

Cụ Ngô Việt dân lớp 4 QL, anh ruột của Ngô An lớp 3A chúng mình , lại là bạn chiến đấu của Tín Đăng Hà. Cụ được Hội người cao tuổi Phường chúc thọ (có tiền nữa) mà lại thấy buồn buồn, 
Vậy nên Noilieu bèn làm bài thơ chúc thọ để an ủi chút lòng người Tám mươi vì mình cũng bước một chân vào cửa Tám rồi. Thơ rằng:
Chờ đợi non tám chục năm trời
Nay Phường chúc thọ thấy vui vui
Lên tướng không màng, không vướng nợ
Đa tầng chẳng dính chằng lo chơi
Vợ ốm hết lòng chăm sóc lớn
Con hiền thoả sức dưỡng phụng dài
Những mong anh ... cụ luôn luôn khoẻ
Sống quá trăm năm, đáng một đời
Diễn Nôm bài thơ trên như thế này
BÀI THƠ CŨNG LÀ LỜI CHÚC CÁC CŨ ĐÃ , ĐANG VÀ SẮP TÁM MƯƠI XUÂN. CHÚC MỪNG TẤT CẢ NHÂN NĂM MỚI TRÂU BÒ
Chỗ này phải mở ngoặc một chút: Câu Lên tướng không màng không vướng nợ là nói năm xưa có chuyện rằng ở cái chỗ ấy ấy nước Cà lồ, có một số vị muốn lên tướng phải đi vay tiền hơn tỉ đê lo chuyện tướng. Vừa được lên tướng thì đồng chí X đổ cái rụp thế là các tướng mới lên theo nhau về hưu vì đồng chí X nghỉ kéo theo đồng chí Y cũng nghỉ. Mấy tướng mới  trở thành chúa chổm vì nợ lớn thế chưa thu được gì đã nghỉ rồi đành cong lưng trả nợ, không biết bao giờ trả cho xong.  Riêng Ngô Việt không màng lên tướng nên cứ vô tư ăn mỗi lần 2 chiếc kem mà không thấy buốt răng, thật tuyệt. 
Lại chuyện Đa cấp, một thờ các tướng nhà ta và cả các vị ngấp nghé tướng nghe xui dại kéo nhau tham gia vào cái công ty đa cấp mang danh đểu "Quốc Phòng" với hứa hen lãi xuất 30% năm
Noiliêu và Ngô Việt thi đã từng quản lí các xí nghiệp hạch toán kinh tế nhận thấy để có lãi xuất như thế chỉ có ăn cắp, trốn thuế, làm hàng giả và lừa đảo nên nhất đinh không tham gia, các vị tham gia phải lôi kéo bạn bè vào để đa cấp có lãi thành ra mất cả tình bạn hữu mà sau này mất sạch chỉ có ngậm ngùi không biết than thở cùng ai. Đời cũng nhiều chuyện hay thật. Vì chữ đa cấp đưa vào phá mất vần luật của thơ con cóc nên đành dùng từ "Đa tầng" cho có vần vì đa cấp với đa tầng thì cũng ...Như rứa như rứa, các cụ thông cảm nhé.
Bye!

22 thg 2, 2021

TRANH CHỮ CỦA CỤ BÙI HANH CẨN

 TRANH CHỮ CỦA CỤ BÙI HANH CẨN


Lời NoiLieu:

Nhân dịp Đài Truyền hình Hà Nội phát hình về Cụ Bùi Hạnh Cẩn - Nhà chơi tranh chữ nổi tiếng của Thủ đô ta, NoiLieu đăng lại bài viết về một vài cảm nhận của mình đối với bậc tiền bối tài năng xuất chúng này trong khi chưa tải được đoạn video nói về cụ lên blog hầu các bạn. Trong trình bày, do trình độ có hạn, không tránh khỏi sai sót, mong cụ Bùi Hạnh Cẩn và các anh chị trong gia đình cụ tha lỗi.

LƯỚT XEM TRANH CHỮ CỦA CỤ BÙI HẠNH CẨN
(BÀI VIẾT LẠI VÌ BÀI TRƯỚC BI MẤT - XIN THÔNG CẢM)

Photobucket
ụ Bùi Hạnh Cẩn quê ở Thôn Vân Huyện Vụ Bản Tỉnh Nam Định, sinh năm 1919, đã từng là Chủ tịch Hội Nhà Văn Hà Nội, UV thường trực hội Nhà Báo Việt Nam. Cụ là người đa tài, đức độ, được giới nhà báo VN tặng cho danh hiệu "Người nhiều nhà nhất Hà Nội" : Nhà Văn, nhà Thơ, Nhà Báo, Nhà Giáo, nhà Nghiên cứu Hán Nôm, Nhà NC Quốc tế Ngữ (ESPERANTO), nhà Thư pháp, Nhà sưu tầm văn hóa dân gian... Trong các "nhà" kể trên, cụ thích nhất danh hiệu do các con cụ phong tặng: "Nhà lẩm cẩm học", một danh hiệu đùa vui nhưng ngầm ý cụ là người đa tài trong đó có tài vẽ tranh chữ: Chữ Nôm, chữ Hán và cả chữ Quốc ngữ. Cụ đã để tâm nghiên cứu tranh chữ từ hơn ba chục năm nay, tranh của cụ đã được đưa triển lãm ở nhiều nơi. Cuộc triển lãm tranh năm 1992 tại Hà Nội đã có tiếng vang lớn trong nước và Quốc tế. Chỉ xin trích dẫn lời giáo sư Văn Hóa người Mỹ - ông C.D. Sedalla: "Phòng tranh độc đáo và thiên tài, xứng đáng trưng bày ở Louvre. Ông Cẩn không bắt chước ai, và càng khó ai bắt chước được ông Cẩn" đủ nói lên tất cả.


Bức tranh đồng Dân Phú Quốc Cường được Họa sỹ Hà Huy Hiệp (giám đốc công ty Mỹ Thuật AHUY) đích thân làm suốt đêm theo mẫu tranh của cụ để kịp tặng cụ nhân ngày Hội VH Hà Nội giới thiệu sách của cụ. Bức tranh này có lẽ cụ vẽ lên cái ý tưởng của Tiết Chế Quốc Công Trần Hưng Đạo: Dân Phú Quốc Cường với "Nước lấy dân làm gốc. Dân lấy ăn làm gốc". Ở Chữ Quốc: 国 trong một biên giới rộng lớn ấy không thấy dùng Vương 王, Hoặc 或 hay Ngọc 玉 làm cốt mà là Dân 民 thế chẳng phải lấy dân làm gốc là gì? Chữ Dân ở Dân phú thấy như một em bé còn trong bào thai, một người đang ăn với Phú là nồi cơm đầy ắp: Dân lấy ăn làm gốc và ăn thì phải có ruộng: Dưới nồi cơm là chữ Điền (ruộng đất).
                               
Tranh chữ Đạo : Đạo là con đường đi, là đường lối, dù đường gì thì cũng không bằng phẳng. Có người nói: Bức tranh này quá sex, Cụ Cẩn cho biết: "Chữ Đạo là bản chất của vũ trụ, cân bằng Âm -Dương, sinh sôi này nở, tái tạo và hủy diệt, là con đường gọi lòng người hướng thiện. Tôi mượn chất tượng hình ở chữ Đạo vẽ gợi hình thiếu nữ múa lụa". Tôi thì thấy dù nhìn theo tượng hình dải lụa uốn lượn hay theo cách nhín sex thì chữ đạo vẫn là thể hiện chữ Đạo: Bộ xước bọc lấy chữ thủ. Thế mới đa dạng, thế mới tài hoa.



Tranh chữ Hán: Sơn Thủy



Tranh chữ Quốc ngữ hiện đại: Ngựa. Một giáo sư người Trung Quốc nhận xét: "Tôi đi đã nhiều nơi, chưa thấy đâu người ta vẽ ngựa như thế". Đúng vậy, vì đây là con ngựa chữ Việt, làm sao các danh họa TQ lại vẽ được như thế. Ngay các cụ đồ nhà ta xưa kia cứ chê chữ quốc ngữ là ngoằn nghèo như rau muống làm sao viết vẽ đẹp được. Thế mà xem con ngựa này, ai không cảm phục sự sáng tạo của cụ đồ?



Sông Mã xa rồi (Trong câu thơ " Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi") Bức tranh chữ Nôm Sông Mã cho ta cái cảm giác thượng nguồn sông chằng chịt chi lưu chảy luồn giữa các rặng núi cao chót vót, khi gần tới đồng bằng ra biển, dòng sông vấp phải các khối đá nhấp nhô (ở đây là bốn dấu chấm chân ngựa "Hỏa" trong chữ Mã) dòng sông lồng lên như con tuấn mà - thế mới đúng là sông Mã.


Hóa ra vũ trụ bao la thế
Cũng chỉ xoay quanh một chữ Tiền
(Chữ Kim = vàng, biểu trưng của tiề)

Không - Sắc . Không là không có, là khoảng không vũ trụ, bao gồm sắc (có, vật chất) bên trong. Đúng như đạo của người xưa. Cụ dịch bài kệ chữ Hán của Pháp sư Từ Đạo Hạnh về chữ Không sắc này:
Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không
Trong như bóng nguyệt dòng sông
Ai hay sắc sắc không không là gì.
Điều thú vị là chữ sắc lại nằm gọn trong chữ không: Không gian bao la. Cũng lại theo tư tưởng của người xưa: Có không mới có sắc. Có câu thú vị "Không uyển thịnh phạn, Không ốc trú nhân": ấy là cái bát làm từ đất (sắc) nhưng nếu cái bát toàn đất thì vô dụng, không dùng đựng gì được. Nó phải rỗng trong lòng. Căn nhà xây từ gạch nhưng trong nhà toàn gạch thì không ở được, đấy là cái lẽ sắc sinh không và không lại sinh sắc vậy chăng?



Rượu và rượu say. Tranh rượu cho ta hình ảnh cái nậm rượu, lại cũng hình như là anh chàng nghiện rượu đang ngồi nhắm rượu suông. Có người lại hình dung là một cô gái và giải thích là tửu đi liền với sắc. Thật kỳ diệu.


Ngà ngà. Rượu thì uống vừa thôi theo dân gian
Một xị khai thông trí tuệ
Hai xị giải nghệ cơn sầu
Ba xị ngồi đâu .... đó
Bốn xị cho chó ăn chè (nôn hết).
Cụ sống điều độ, rượu chỉ Ngà ngà, chân hơi chếnh choáng nhưng vẫn cầm được be rượu, vẫn đi lại được chứ chưa đến nỗi "Đi thì đứng, đứng thì ngã" như những bợm bia rượu khác, chính vì vậy cụ thọ hơn những đồng nghiệp của mình chăng?


Tây Hồ Phong Nguyệt: Chữ tây giờ được tạo hình cho một cánh buồm trên hồ nước mênh mông. Mặt trang mung lung không tròn không phải tác giả không vẽ được tròn mà trang phải mờ mờ ảo ảo mới thần tình.


Chút duyên chùa Láng
Con mắt đuôi sao thầm lúng liếng
Chị Mầu Thị Kính đêm hoa đăng
Là đây là thực hay là mộng
Thôn nữ làng Nam xưa họ Tăng
(Tăng thị Lan là mẹ của Từ đạo Hạnh, là một người đẹp thời xưa của Đất Việt). Bức tranh này được một giáo sư Văn Hóa người Ôxtrâylia rất thích.


Phật : Hình một ông sư đang ngồi tụng kinh; Chữ nhân đứng tạo hình một cái bàn đặt kinh phật để sư tụng niệm. Hóa ra sư chăm tụng niệm làm việc thiện thì Phật tại tâm.


Trúc Lâm. Cụ đã dùng cách viết thư pháp với nét đậm nét tòe để vẽ tranh Trúc Lâm. Với nét bút như thế, người xem thấy ngay được hình các đốt trúc cho một rừng trúc. Tôi nhớ một lần đi cùng bà xã vào Văn Miếu xem triển lãm Thư Pháp, thấy mấy sinh viên Mỹ thuật chăm chú tô tô vẽ vẽ mấy chữ rất cẩn thận, chỗ nào bị tướp nét đều tô lại đen nhánh. Tôi bảo với vợ tôi: Mấy cậu này học cách viết chữ của Vi tiểu Bảo trong Lộc Đỉnh Ký. Bà xã cười thú vị vì cũng đã đọc đoạn Vi tiểu Bảo bình tranh thư pháp ở đảo Thần Long, thấy chữ viết nét tướp nét đậm thì ra sức chê bai là không "bại nét".


Bút hoa.


Đò: Con đò thấy rất rõ cánh buồm. Cánh buồm cách điệu cho dấu chấm thủy, ghép với chữ độ là Đò (chữ Nôm)


Tranh chữ được vẽ trên đồ gốm: Bên trái là bình hoa gốm có tranh chữ Chi chi , ở giữa là đĩa có vẽ tranh "không - sắc", bên phải là tranh "Đường về nhà chị...".Tranh của cụ Bùi Hạnh Cẩn nhiều lắm, Ba mươi năm sáng tác, hàng chục cuộc triển lãm. Tôi chỉ hiểu được một số ít ỏi của cụ nhưng cũng mạnh dạn giới thiệu cùng các bạn, có gì sai sót xin Cụ Bùi và các bạn blog tha thứ.