31 thg 12, 2017

CHÚC MỪNG NĂM MƠÍ 2018

CHÚC MỪNG NĂM MƠÍ 2018
CHÚC CÁC BẠN BLOGGER MỘT NĂM SỨC KHOẺ TUYỆT VƠÌ
KINH TÉ VỮNG VÀNG 
GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC



25 thg 12, 2017

TÌM HIỂU SMARTPHONE (KÌ 5)

                    TÌM HIỂU SMARTPHONE (KỲ 5)
CỬ CHỈ NGÓN TAY KHI THAO TÁC VỚI SMARTPHONE

Smartphone được giới chợ búa gọi là điện thoại chạm quệt để phân biệt với điện thoai cục gạch chỉ có bấm bấm. Tuy gọi là chạm quệt nhưng thao tác ngón tay đối với điện thoại này khá đa dạng và ngày càng đa dạng khi người ta đưa trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence) vào loại điện thoại này.
Các cử chỉ chủ yếu của ngón tay đối với điện thoại này là:
1) Chạm vào (Touch): Chạm vào một mục một lần. Ví dụ: chạm để chọn một tùy chọn hoặc mở một ứng dụng.
2) Chạm đúp (Double touch): Chạm vào vùng mục tiêu của màn hình hai lần liên tục. Ví dụ: chạm đúp vào một hình ảnh ở chế độ toàn màn hình để phóng to hoặc thu nhỏ.
3) Chạm và giữ (Touch and hold): Chạm và giữ khu vực đinh thao tác của màn hình trong ít nhất 2 giây. Ví dụ: chạm và giữ một vùng trống trên màn hình chính để truy cập trình chỉnh sửa màn hình chính.
4) Vuốt (Swipe Swype): Vuốt ngón tay của bạn trên màn hình. Ví dụ: vuốt Khung Thông báo sang trái hoặc phải trên màn hình thông báo để loại bỏ thông báo đó. Vuốt theo chiều dọc hoặc theo chiều ngang để đi đến màn hình chính khác, cuộn tài liệu lên xuống và v.v...
5) Kéo (Drag): Chạm và giữ một biểu tượng, sau đó di chuyển nó đến vị trí khác. Ví dụ: sử dụng cử chỉ này để sắp xếp lại biểu tượng ứng dụng và tiện ích con trên màn hình chính, kéo biểu tượng ứng dụng không cần dùng nữa cho vào sọt rác để gỡ bỏ ứng dụng đó khỏi điện thoại của ta.
6) Xoạc rộng hai ngón tay ra (Spread fingers apart): Trượt hai ngón tay trên màn hình cho xa nhau ra. Ví dụ: Xoạc rộng hai ngón tay ra để phóng to ảnh hoặc trang web.
7) Co hai ngón tay vào gần nhau (Pinch fingers together): Co hai ngón tay lại với nhau trên màn hình để thu nhỏ hình ảnh hoặc trang (web).
8) Gõ (Knock) Dùng khớp ngón tay gõ lên màn hình để mở khóa màn hình (Windows phone) hoặc để chụp ảnh màn hình
9) Gõ và quệt (Knock và Swipe) Gõ và quệt khớp ngón tay để chụp ảnh một phần màn hình.
10) Gõ khớp 2 ngón tay (Knock 2 fingers) để quay phim màn hình (Huawei nova 2i).
Xem hình cử chỉ ngón tay khi dùng điện thoại


23 thg 12, 2017

TÌM HIỂU VỀ SMARTPHONE (kì 4)

      SỬ DỤNG DROPZONE TRÊN EMUI 5.0X 

Trên điện thoại của Hãng Huawei (Huawei và Honor) có một thuật ngữ rất khó hiểu, đó là Dropzone.
Dropzone là một từ tiếng Anh có nghĩa thông dụng là vùng đổ bộ, vùng thả dù. Trong smartphone Android được tạm dịch là vùng thả thông báo, gọi tắt là vùng thả. (Hãng Huawei trong hướng dẫn của mình gọi nó là thùng thả nhưng tôi không thấy thùng nào nên tạm dịch là vùng thả thông báo). 
Các điện thoại thông minh android thường có hiện tượng xuất hiện các thông báo (của các ứng dụng có khả năng gửi thông báo) một cách lộn xộn, vô tổ chức vào màn hình thông báo khiến người dùng nhìn vào màn hình này bối rối không biết xử lý các thông báo và các quả bóng thông báo thế nào cho hợp lý. Ví dụ ở Messenger có một quả bóng thông báo với số 2, ở Zalo có quả bóng thông báo có số 1... xuất hiện ở các "trang" biểu tượng khác nhau, rồi trên màn hình thông báo dù chưa mở khóa màn hình cũng thấy các thanh thông báo hiện lên lung tung)....
Để giải quyết vấn đề này, điện thoại Huawei chạy phần mềm Emotion UI 4.1 trở lên có tính năng QUẢN LÝ VÙNG THẢ THÔNG BÁO (Dropzone Management).
Tính năng này giúp bạn giữ màn hình thông báo khỏi lộn xộn và vô tổ chức. Nó cũng cho phép bạn quản lý được biểu tượng nổi hoặc bong bóng xuất hiện trên màn hình của bạn bất cứ khi nào một thông báo mới xuất hiện theo ý thích của mình.
Ví dụ: Ứng dụng Messenger bật lên một bong bóng thông báo ai đó gửi thông báo 
(hoặc gọi điện) cho bạn . Bạn có thể chọn tắt hoặc bật thông báo trên màn hình thông báo cho mỗi ứng dụng riêng lẻ và giữ những thông báo riêng khỏi con mắt tò mò.
Thiết lập Quản lý Vùng thả (thông báo) bằng cách làm theo hai bước đơn giản dưới đây:
Bước 1: Chuyển đến Quản lý điện thoại và chọn tùy chọn Quản lý Vùng thả (thông báo).
Hình 1 Phím mở ứng dụng Quản lý Vùng thả thông báo (dropzone management) nằm ở màn hình thứ hai của ứng dụng Quản lý điện thoại  (có nửa khung đỏ trong hình 1)

Bước 2: Quản lý Vùng thả (thông báo - Dropzone) chứa các tùy chọn cho tất cả các ứng dụng có thể gửi thông báo. Khi tắt ứng dụng Quản lý Vùng thả thông báo (kéo nút của chuyển mạch tương ứng sang trái bằng cách gõ vào dòng chữ tên ứng dụng), biểu tượng thông báo trên màn hình thông báo và bong bóng thông báo sẽ không xuất hiện trên màn hình thông báo và bên biểu tượng ứng dụng nữa, ngay cả khi màn hình smartphone đang mở.
Hình 2 Khi mở Vùng thả thông báo (núm tròn của chuyển mạch chuyển sang phải), các biểu tượng thông báo và bong bóng thông báo sẽ xuất hiện trên màn hình smartphone (nếu bạn không tắt các ứng dụng).
Một điều cần lưu ý là nhiều người để tiết kiệm pin không cho phép các ứng dụng chạy ngầm khi tắt màn hình, khi đó các tin nhắn cũng bị chặn lại và dù có mở ứng dụng vùng thả thông báo thì trên màn hình cũng không có biểu tượng thông báo cho đến khi bạn mở ứng dụng để xem các thông báo nếu có. 

16 thg 12, 2017

TÌM HIỂU VỀ SMARTPHONE (3)

MÃ QR ? LÀM THẾ NÀO?

         Mã QR đã trở thành phổ biến trên thế giới và ngay ở Việt Nam: Đại hội đoàn TNCS HCM họp tại HN vừa qua có một tình tiết thú vị: Các đại biểu vào hội trường họp phải qua quét mã QR. Vậy mã QR là gì và làm thế nào để tạo và đọc được nó?
       Theo Wikipedia: Mã QR một mã ma trận (hay mã vạch hai chiều) được phát triển bởi công ty Denso Wave (Nhật Bản) vào năm 1994. Chữ "QR" xuất phát từ "Quick Response", trong tiếng Anh có nghĩa là đáp ứng nhanh, vì người tạo ra nó có ý định cho phép mã được giải mã ở tốc độ cao. Các mã QR là loại mã hai chiều thông dụng nhất ở Nhật Bản và gần đây người Trung Quốc thường sử dụng việc quét mã QR trong mua sắm hàng ngày. Mã QR cũng được thêm vào danh thiếp, làm đơn giản đi rất nhiều việc nhập dữ kiện cá nhân của người mới quen vào sổ địa chỉ trên điện thoại di động.

Khả năng lưu trữ dữ liệu mã QR

Số đơn thuần Tối đa 7.089 ký tự

Số và chữ cái Tối đa 4.296 ký tự
Số nhị phân (8 bit) Tối đa 2.953 byte
Chữ Nhật (Kanji/Kana) Tối đa 1.817 ký tự
Để hình dung ra 1000 ký tự có bao nhiêu chữ các bạn hãy xem toàn bộ chữ trong bài viết này chứa khoảng 1700 ký tự và thấy được khả năng mã hóa một văn bản của mã QR là thế nào. Nhưng đây mới là khả năng tối đa. Ứng dụng Barcode Generator mà tôi dùng chỉ cho phép mã hóa tối đa 1000 ký tự thôi đấy.

      Trong các điện thoại thông minh thường được cài sẵn phần mềm quét mã QR và tạo mã QR từ địa chỉ liên hệ. (Ứng dụng Zalo cũng có phần quét mã địa chỉ để tạo QR gửi cho bạn bè và quét giải mã QR khi nhận được từ bạn bè gửi đến). 
       Để sử dụng rộng rãi mã QR sang lĩnh vực khác, có thể tải các ứng dụng từ Appstore (iphone) hoặc Google Play (Android) Windows Store (Windows Phone). Vì có rất nhiều ứng dụng loại này trong các store, khi chọn ứng dụng tải xuống người dùng chú ý chọn ứng dụng vừa quét được mã QR vừa tạo được QR có dùng tiếng Việt, ví dụ tôi đã tải ứng dụng Barcode Genarator của Google play và thấy rất hữu dụng
Hình Minh họa :

1) Mã QR thông báo các URL trong Wikipedia. Khi giải mã các loại mã QR có URL cần lưu ý: đừng mở các trang web này ngay vì có thể chứa mã độc hại gài vào. Ở máy Huawei khi quét các mã có URL thường có lời cảnh báo về mức độ an toàn của các URL quét được để người dùng cảnh giác.

2) mã vạch được Barcode Generator tạo ra (dòng chữ số 25081953) 
3) Mã QR tạo ra từ dòng chữ ....
 Mời đồng bào thử nghiệm làm và làm quen với công nghệ mới này.

12 thg 12, 2017

TÌM HIỂU VỀ SMARTPHONE (1 & 2)

NHỮNG ĐIỀU MỌI NGƯỜI BIẾT MÀ MÌNH KHÔNG BIẾT (1)
A. SIM ĐIỆN THOẠI
.
1. SIM
SIM là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh Subscriber identity module (Modul nhận dạng thuê bao). SIM là một bộ phận quan trọng của mạng GSM (Mạng 2G), còn được gọi là thẻ SIM. SIM là 1 thẻ nhỏ chứa một vị mạch nhớ dùng lượng thấp, được gắn vào máy di động, để lưu thông tin thuê bao và danh bạ điện thoại. Các thông tin trên thẻ SIM vẫn được lưu giữ trên thẻ này khi đổi máy điện thoại.
Do khả năng lưu trữ của sim còn thấp nên địa chỉ lưu giữ trên sim chỉ lưu được 5 đến 6 chữ cái tên người, do đó khi chuyển SIM và địa chỉ danh bạ sang máy khác nếu dùng bộ nhớ ở SIM nhiều người có tên dài nhiều chữ cái sẽ bị ngắt bớt trở thành vô nghĩa (ví dụ Nguyễn Hà chỉ còn Nguyê). Để chuyển danh bạ có độ chính xác cao người ta phải lưu danh bạ ấy vào trang mạng của Google hoặc Microsoft hay Apple Cloud...), cũng có thể chuyển Thông tin danh bạ thành mã QR và chuyển mã này Cho bạn bè hoặc chuyển sang máy khác cùng một người dùng.
Người dùng cũng có thể thay đổi nhà cung cấp khác, nếu đổi thẻ SIM.
Một số rất ít nhà cung cấp dịch vụ mạng ngăn cản việc chuyển mạng , chỉ cho phép 1 máy dùng 1 SIM (của họ) Không cho dùng sim khác không do họ sản xuất, được gọi là tình trạng Khóa SIM. Ở Australia, Bắc Mỹ và châu Âu, một số nhà khai thác mạng viễn thông tiến hành khóa máy di động họ bán. Lý do là giá của các máy này được những nhà cung cấp đó tài trợ, và họ không muốn người dùng mua máy đó để xài cho hãng khác. Số được khóa theo máy di động là số Nhận dạng máy di động quốc tế IMEI (International Mobile Equipment Identity), chứ không phải số thuê bao. Ở một số nước như Bangladesh, Belgium, Costa Rica, India, Indonesia, Malaysia, Pakistan (cả ở Việt Nam nữa) tất cả các máy di động đều được bỏ khóa. Các máy điện thoại iPhone bị khóa sim mua ở Mỹ hoặc các nước Tây Âu thường có giá thấp hơn giá bán máy quốc tế do đó đưa về Việt Nam có lời hơn nhưng lại vướng chuyện không lắp được sim của các nhà mạng Việt Nam . Để bẻ khóa máy bị khóa sim, người ta tạo ra các SIM ghép, gọi là sim thần thánh. Một sim ghép thường gồm SIM của Nước bán máy ghép với 1 SIM của nhà mạng Việt Nam. Apple đã hai lần khóa máy iPhone, nhiều người mua máy khóa SIM chết dở vì không thông tin được .



2. Tại sao 2 SIM
IPhone lần đầu ra mắt chỉ có một SIM, đã “bán mình” cho một hãng truyền thông để được hỗ trợ giá. Hãng này không muốn người dùng đem iPhone được trợ giá dùng cho mạng truyền thông khác khác nên đã khóa sim của các máy này. iPhone sau này cũng chỉ có một SIM. Các hãng điện thoại ra sau để cạnh tranh với iPhone đã sản xuất ra điện thoại có thể gắn được 2 sim. Sử dụng SIM của hãng truyền thông này gọi sang máy của mạng truyền thông hãng khác làm cho giá tiền mỗi phút gọi tăng lên từ 1,5 đến 2 lần gọi trong cùng một mạng với thẻ SIM đã gắn trong máy, vì thế mới có chuyện gọi nôi mạng và ngoại mạng đơn giá thông thoại khác nhau. Sử dụng 2 SIM có cái lợi được chọn nhà mạng khi gọi điện thoại, nhờ đó mà giảm giá thành cuộc gọi vì không phải chịu phí chuyển mạng. Ví dụ máy mình định gọi là Viettel, sẽ dùng sim Viettel để gọi, giá tiền sẽ thấp hơn nếu gọi bằng sim Vinaphone vì nếu dùng Sim Vinaphone gọi sang mạng Viettel thì cuộc gọi của mình phải nuôi cả hai nhà mạng. Để dùng hiệu quả máy 2 SIM, người dùng phải biết được số điện thoại của bạn mình thuộc mạng nào để chọn nhà mạng khi gọi cho chính xác
Các mạng Điện thoại ở Việt Nam được phân biệt bằng các đầu số như sau:
Vinaphone 091xxx, 094xxx 0123xxx 0124xx, 0125xx, 0127xx, 0129xx
Mobiphone 090xx, 093xxx, 0121xx, 0122 xx, 0126xx, 0128xx
Việt Nam mobile (VnMobile) 092xx
SPhone 095xx
Viettel 096xx, 097xx, 098xx, 0162xx, 0163xx, 0164xx, 0165xx, 0166xx, 0167xx, 0168xx, 0169xx
Gtel mobile 099xx, 0199
Có một đầu số đặc biệt 088xx gồm nhiều nhà mạng đăng ký, thường là các số của các đại gia “mê tín’’ vì nó gồm hai số 8 đọc kiểu tiếng Tàu nhái là phát phát (phát tài phát lộc phát nhiều thứ) nhưng bí thư thành ủy TP Hồ Chí Minh là Đinh La Thăng đã dùng đầu số này mà chỉ thấy "phát" vào vòng lao lý nên chớ có tin nhảm mất tiền mua sim VIP mà chẳng lợi lộc gì. 

3. Đổi số điện thoại 11 số sang 10 số:
      Theo kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông, sẽ có 5 doanh nghiệp viễn thông chuyển đổi mã mạng lần này. Cụ thể, thuê bao 11 số của mạng Viettel gồm các đầu số 0162, 0163, 0164, 0165, 0166, 0167, 0168, 0169 sẽ chuyển thành 032, 033, 034, 035, 036, 037, 038, 039.
       Thuê bao 11 số của mạng MobiFone gồm các đầu số 0120, 0121, 0122, 0126, 0128 sẽ chuyển thành 070, 079, 077, 076, 078.
       Thuê bao 11 số của mạng VinaPhone gồm các đầu số 0123, 0124, 0125, 0127, 0129 sẽ chuyển thành 083, 084, 085, 081, 082.
      Thuê bao 11 số 0188, 0186 của Vietnamobile sẽ được đổi sang đầu số 056, 058. 
       Thuê bao 11 số 0199 của Gtel sẽ được đổi sang đầu số 059.
        Việc chuyển đổi sẽ bắt đầu từ ngày 15/9/2018 và kết thúc vào ngày 30/6/2019.        Các số liệu ở mục 2 và 3 này được sưu tập khá công phu các bạn nên ghi nhớ hoặc nếu đầu đã hơi bị Cu-chuoi-li-za-tion thì ghi lại nhé để sử dụng lâu dài, Chúc các bạn thành công.


8 thg 12, 2017

CHUYỆN LÔM CÔM (XA SƯƠNG 車厢 KÝ SỰ)

CHUYỆN LÔM CÔM hay XA SƯƠNG  KÝ SỰ
<xa sương là toa xe lửa> 
Lời Noilieu : Bài viết ngày 14-2-2016 gặp lúc Xi đại nhân xử vụ Xa Sương ồn ào dư luận. Đến nay chưa đầy 2 năm, Xi đại nhân đã vướng vòng lao lý. Thật là trời có mắt, ăn nhiều rồi cũng tàn đời thôi. Xin đăng lại hầu quí vị với tình thần tiếp thu góp ý của bác Lê Vân ở đoạn cuối

       Ngày xửa ngày nay có ông XI GIÁNG, thiên hạ vẫn gọi là xi bê mol, có học trò ruột là NGỌC BẤT BẠI, thiên hạ gọi sau lưng là NGỌC HÀNH ĐẠI NHÂN. Hai vị này nổi tiếng là người "liêm khiết" không tham lam vơ vét của dân.
       Một lần, hai thày trò đi cày, thày XI GIÁNG cày phải thỏi vàng (giả), liếc mắt nhìn biết là đồ giả, tự nghĩ mình THAM NHŨNG… đã nhiều, cục vàng (giả) này là cái đinh gì mà để mắt tới, với lại đại hội NGŨ NHẠC KIẾM PHÁI vừa rồi đã được quần hào quy vào hàng chưởng môn nhân, chẳng mấy chốc sẽ đi phó nhậm ở HOA SƠN, nơi ấy thiếu gì vàng bạc , bèn cho trâu đi tiếp, không thèm để ý tới. Đệ tử NGỌC BẤT BẠI cày phía sau, khi đi tới cục vàng, “họ họ” cho trâu dừng lại, cử hai tay đưa xuống nhặt cục vàng lên xem. Nhác thấy thày XI GIÁNG để mắt nhìn mình vội vứt cục vàng đi cày tiếp.
         Cày xong, không đợi học trò cởi trâu, rửa ráy chân tay, thày XI GIÁNG đuổi ngay NGỌC BẤT BẠI ra khỏi sư môn, cắt đứt tình sư đệ. NGỌC BẤT BẠI quỳ xuống ven đường ngay bên một bãi phân rõ to, rập đầu khóc lóc, kêu rằng:
       - Không biết đệ tử có lỗi lầm gì mà sư phụ lại trục xuất ?
Thày XI GIÁNG hỏi:
       - Người có thấy thỏi vàng khi cày ruộng không?
       - Thưa sư phụ có ạ!
       - Ngươi có nhặt cục vàng lên xem không?
       - Thưa sư phụ có ạ!
       - Đấy là tội!
       - Nhưng đệ tử đã vứt nó đi rồi mà!
       - Không vứt cũng tội to, vứt đi càng có tội. Chuyện bọn Vixilai và Vixishin đang còn nóng hổi, thiên hạ đổ dồn mắt xem ta và ngươi đi cày nhặt vàng là họ nghi thày trò ta lại bước vào đường con Lai con Xin đó! Nhặt lên để xem rồi vứt đi cũng là có lòng tham, tuy chốc lát dằn được lòng tham ấy nhưng nếu ta không có ở đó thì ai dám chắc rằng ngươi không đút túi đem về dùng riêng?
       - Xin Sư phụ tha tội. Xin Sư phụ tha tội.
       - Thôi, ta sắp đi phó nhậm chưởng môn phái HOA SƠN rồi, có đuổi ngươi ra khỏi võ tràng này hay không cũng không có nghĩa nữa. Nhưng để giữ thể diện cho ngươi và giữ uy cho ta, ngươi phải chặt cái tay đã nhặt cục vàng (giả) lên xem đi rồi ta tha.
Nói xong thày XI GIÁNG đánh trâu về nhà để đi phó nhậm chức Chưởng môn Hoa sơn phái.
        NGỌC BẤT BẠI nghe thày phán sướng rơn, rút kiếm bên mình chặt phăng tay áo bên phải đi. Cười rõ tươi, về nhà trình sư phụ.

7 thg 12, 2017

THỰC HIỆN CHUYỂN GIỌNG NÓI THÀNH VĂN BẢN (2)

THỰC HIỆN CHUYỂN GIỌNG NÓI THÀNH VĂN BẢN (2)

Dùng Smartphone các loại chuyển giọng nói thành văn bản (speech to text)



Tác dụng của phương phương pháp "Chuyển giọng nói thành văn bản sử dụng smartphone" là:
1. Biến giọng nói thành đoạn văn bản của tin nhắn để gửi tin nhắn cho điện thoại. (Đây không phải là thư thoại mà là tin nhắn bằng văn bản nhưng dùng lời nói để biến thành văn bản).
2 Dùng lời nói để nhận xét bình luận (comment) hoặc viết bài cho các trang mạng xã hội như Facebook, blogspot của Google.
3.. Biên soạn các bản tài liệu bằng giọng nói rồi biến đổi thành tài liệu chữ viết để giảm việc gõ bàn phím, có thể viết dài và ngắn tùy ý.
Khuyết điểm của tính năng "biến giọng nói thành văn bản dùng Smartphone" là không thực hiện được dấu chấm và dấu phẩy., Điều này phải đưa ra các công cụ văn bản để chỉnh sửa

Yêu cầu thực hiện

1 Phải có mạng in Internet
2. Trừ smartphone Apple có công cụ biến đổi giọng nói cài sẵn, các máy smartphone Android khác như Samsung, Oppo phải có bàn phím Gboard hoặc Laban Key có công cụ để biến đổi giọng nói thành văn bản. Những điện thoại đã được cài sẵn bàn phím Gboard hoặc Laban Key thì không cần tải nữa. Để tải bàn phím Gboard về máy smartphone của mình, phải vào Google Play và tím công cụ Bàn phím Gboard hoặc Laban Key, tải nó về và cài đặt.. 
3. Trong phần cài đặt smartphone, kiểm tra tính năng "Biến giọng nói thành văn bản" nếu tính năng này chưa được bật (mở) thì mở nỏ ra.
4. Cần lưu ý một điều: phân biệt sự khác nhau giữa thư thoại và tin nhắn tạo ra bởi giọng nói. Nhiều điện thoại hoặc nhà mạng có tính năng Messenger thư thoại là biểu tượng cái Micro nhưng không phải micro biến giọng nói thành văn bản. Micro biến giọng nói thành văn bản nằm bên trong bàn phím. Chỉ khi ta chạm vào vùng định tạo văn bản thì bàn phím mới hiện ra và mới thấy micro. Hai Điều này là khác nhau. Tin nhắn tạo ra bằng lời nói có thể chuyển đi trên mạng 2G,  nhưng thư thoại thì phải có Internet (mạng 3G hoặc 4G)..

Trình tự thực hiện: phụ thuộc vào kiểu máy

A Đối với máy smartphone Apple đã cài sẵn chế độ biến giọng nói thành văn bản, người dùng sau khi đặt con trỏ vào vị trí cần đánh máy chữ cho bàn phím hiện ra, chỉ việc nhấn vào biểu tượng micro có ở bên cạnh biểu tượng quả địa cầu Trên bàn phím ảo là thực hiện được ngay việc biến đổi giọng nói thành văn bản. Máy smartphone Apple loại cũ chưa có tính năng này thì nên tải Gboard về dùng như điện thoại Android.
Hình 1 Bàn phím Apple, micro nằm cạnh biểu tượng quả địa cầu (chọn ngôn ngữ)

B. Với bàn phím Gboard người dùng sau khi đặt con trỏ vào vị trí cần đánh máy chữ cho bàn phím hiện ra, cần chọn bàn phím thích hợp với việc biến giọng nói thành văn bản (Gboard hay Laban Key) rồi nhấn vào micro có trên bàn phím này rồi bắt đầu thực hiện biến giọng nói Thành văn bản. Micro của Gboard nằm đối diện với biểu tượng bàn phím này (Chữ G màu) như hình 1 đã khoanh dấu đỏ 

                           Hình 2: Micro trên bàn phím Gboard
C Riêng smartphone Huawei và một số smartphone TQ khác: Có một nút chọn bàn phím đặt ở thanh điều hướng của smartphone này. Nhấn vào nút chọn bàn phím, bạn có thể chọn bàn phím Gboard hoặc bàn phím “biến giọng nói thành văn bản” để thực hiện công việc, xem trên hình minh họa

                  Lựa chọn bàn phím Gboard để biến giọng nói thành text

Bàn phím Laban khi không chọn biến giọng nói thành văn bản


Micro trên bàn phím Laban Key khi dùng ứng dụng biến giọng nói thành văn bản (nhấn vào phím 123+micro ở hình trên hình này thì micro sẽ tách ra như hình trên) 

Vì trình độ có hạn, hướng dẫn này rất khó hiểu, ai làm được ngay là thiên tài.
Chúc các bạn thực hiện thành công






6 thg 12, 2017

THỰC HIỆN CHUYỂN GIỌNG NÓI THÀNH VĂN BẢN

 THỰC HIỆN CHUYỂN GIỌNG NÓI THÀNH VĂN BẢN (1)
        [Thực hiện trong máy tính bàn (Destop) và laptop]


Thực hiện chuyển giọng nói thành văn bản dùng công cụ của Google khi sử dụng máy tính laptop và máy tính để bàn. Trình tự thực hiện như sau:
1. Điều kiện thực hiện:

a)  Bạn phải có micro để ghi giọng nói khi biến giọng nói thành văn bản. Laptop đã có micro còn máy tính bàn nếu chưa có micro phải sắm một headset (micro và tai nghe) loại thông thường, chỉ khoảng 100k thôi.
b) Bạn phải nối mạng Internet.
c) Máy tính phải dùng hệ điều hành Windows, Nếu máy tính dùng hệ điều hành của Apple thì hướng dẫn này không đảm bảo là đúng.
2. Đăng nhập vào Chrome bằng tài khoản Google của mình (địa chỉ hòm thư email và mật khẩu, tên đăng nhập). Khi đăng nhập thành công dưới thanh công cụ xuất hiện ảnh đại diện của mình và biểu tượng công cụ Google là một hình vuông có 9 chấm vuông.




3. Nhấn vào phím công cụ này để xuất hiện các công cụ của Google. Lúc đầu chỉ có 7 công cụ xuất hiện. Nhấn tiếp vào phím phía dưới cùng là "Thêm" các công cụ, trong đó có phím “tài liệu”. Nhấn vào phím tài liệu sẽ xuất hiện các tài liệu và cuối màn hình có hình chữ thập nền đỏ tròn, đấy là công cụ để thêm tài liệu, có nghĩa là mở một tài liệu mới để viết .
4. Khi nhấn vào phím “Thêm" tài liệu, một màn hình mới hiện ra để bạn có thể soạn thảo văn bản. Muốn dùng công cụ giọng nói để biến giọng nói thành văn bản, hãy nhấn vào menu "Công cụ" ở trên thanh menu của tài liệu.
5 Khi xuất hiện các công cụ ta chọn biểu tượng micro (công cụ "Nhập bằng giọng nói") tức là Dùng micro để thu giọng nói biến thành văn bản. 
6. Sau khi chọn công cụ có biểu tượng là micro thì ở bên trái màn hình xuất hiện một hình cái micro. Nhấn vào micro đó sẽ thấy nhiều vòng tròn và micro màu trắng trên nền đỏ, bạn bắt đầu nói nhập văn bản.
7. Nhập xong một bài viết bạn lưu tài liệu đó vào Google Drive. Nếu không thích lưu ở đấy, hãy nhấn vào Menu “Tệp”. Xuất hiện các lựa chọn để ta lưu và biến đổi định dạng văn bản vừa được tạo ra, trong đó có lựa chọn “Tải xuống dưới dạng”. Khi nhấn vào “Tải xuống dưới dạng” sẽ xuất hiện một bảng lựa chọn các loại tải tài liệu xuống, nếu chọn “Microsoft Word” ứng dụng Microsoft Word sẽ mở ra và bạn có thể chỉnh sửa tài liệu vừa tạo được bằng công cụ MS Word đã mở này. Sau khi hoàn chỉnh, tài liệu có thể đem copy dán vào các trang mạng xã hội Facebook hoặc blogspot.
Hướng dẫn hơi khó hiểu, ai theo hướng dẫn này mà làm được ngay thì cứ xem như mình là thiên tài đấy. 

Tôi mới thử nghiệm thực hiện ở hệ điều hành Windows 10, các bạn thực hiện ở hệ điều hành khác như Win 8 hoặc Win 7 có kết quả ra sao đề nghị phản hồi để mọi người cùng rút kinh nghiệm