11 thg 2, 2016

ĐẦU SỎ ĐẨY GIÁ DẦU LAO DỐC

         ĐẦU SỎ ĐẨY GIÁ DẦU LAO DỐC
 (Chép từ báo điện tử PetroTimes 21-01-2016)
        Trong vòng 5 năm qua, khai thác dầu khí đá phiến đã trở thành một cuộc cách mạng với những đột phá về khoa học kỹ thuật, lật đổ vị trí độc tôn của dầu khí truyền thống. Nó được coi là một trong những nguyên nhân chính khiến giá dầu giảm sâu và liên tục, đồng thời còn được đánh giá là đang làm thay đổi cán cân quyền lực của các cường quốc năng lượng.
Tại sao lại là dầu đá phiến?
        Quá trình hình thành dầu khí bắt nguồn từ hàng trăm triệu năm trước, khi xác các sinh vật chìm dưới đáy biển và bị chôn vùi rất sâu trong lòng đất, hình thành lớp bùn lắng hữu cơ. Năm này qua năm khác, quá trình này tiếp diễn, các lớp bùn lắng hữu cơ trộn lẫn với trầm tích và nhiều vật chất khác tiếp tục bị chôn vùi sâu hơn và hình thành nên những lớp đá phiến hạt mịn.

Khai thác dầu khí đá phiến tại Hoa Kỳ

        Càng nhiều trầm tích chồng lên nhau thì càng tạo ra môi trường áp suất lớn và nhiệt độ cao, khiến lớp bùn lắng hữu cơ bị phân giải, hình thành dầu và khí (gọi tắt là dầu khí), len lỏi trong các lớp đá có độ thấm và độ rỗng cao, và dồn về nơi có áp suất thấp hơn tạo thành các túi dầu thô và khí đốt mà con người đã và đang khai thác, đây được gọi là dầu khí truyền thống (conventional oil & gas).
      Nhưng, khi ở độ sâu chưa đủ tạo ra áp suất và nhiệt độ cao và ở những lớp đá có độ thấm và độ rỗng thấp thì dầu khí không thể tập trung vào một chỗ mà tích tụ trong các lỗ hổng nhỏ, không liên thông, nằm xen kẽ giữa các lớp đá phiến. Các lớp đá phiến này thường nằm ở độ sâu chừng hơn 1-6 km trong lòng đất, tùy theo cấu tạo địa chất từng vùng. Dầu khí được hình thành trong trạng thái như vậy được gọi là dầu khí bị “nhốt” trong đá phiến, gọi tắt là dầu khí đá phiến (shale oil & gas) hay dầu khí phi truyền thống (unconventional oil & gas).

Hệ thống máy bơm thủy lực dùng trong kỹ thuật khai thác dầu khí đá phiến.
       Trong hơn 100 năm qua, dầu khí truyền thống giữ vị trí độc tôn về nguồn năng lượng chủ lực để phát triển kinh tế và được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhưng thực ra người ta đã biết về dầu khí đá phiến từ rất lâu nhưng lại không biết cách nào để khai thác nó một cách hiệu quả và ít tốn kém nhất.
      Vào cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, một kỹ sư dầu khí sống ở thành phố Houston, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ tên George Mitchell tiên phong phát triển kỹ thuật nứt vỡ thủy lực (hydraulic fracturing) kết hợp công nghệ khoan ngang (horizontal drilling). Chi phí cho một lần khoan phi truyền thống này vào khoảng 6 triệu USD (khoảng 120 tỉ đồng) tại Mỹ tùy theo độ sâu và đặc tính địa chất từng vùng. Chi phí sẽ giảm dần theo thời gian khi các kỹ thuật phụ trợ được phát triển và có hiệu quả cao. Kỹ thuật khoan nêu trên của kỹ sư George Mitchell được xem là khai phá vĩ đại nhất trong lĩnh vực năng lượng của thế kỷ XXI.
Lật đổ thế độc tôn
      Nhờ thành tựu vượt bậc trong kỹ thuật khai thác dầu khí đá phiến nên Mỹ sớm vượt qua các nước khác trong lĩnh vực này. Từ năm 2005-2013, sản lượng khai thác dầu khí đá phiến của Mỹ tăng từ 5% lên đến 35% tổng lượng dầu khí khai thác ở nước này. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), trữ lượng dầu khí đá phiến của Mỹ hiện vào khoảng 58 tỉ thùng, chiếm 1/4 tổng trữ lượng dầu mỏ của nước này, trong khi trên thế giới, dầu khí đá phiến chỉ chiếm 1/10 tổng trữ lượng.

Công nghệ khai thác dầu đá phiến bị coi là đầu sỏ đẩy giá dầu lao dốc
      Hiện Mỹ đã vượt Nga để trở thành quốc gia sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới. Vẫn theo thống kê của IEA, nếu tính tổng sản lượng dầu thô quy đổi – bao gồm dầu thô và các loại khí thiên nhiên dạng lỏng (natural gas liquids) – thì Mỹ đã đạt mức 11,5 triệu thùng/ngày, dẫn đầu thế giới.
      Viện Nghiên cứu McKinsey dự báo, ngành công nghiệp dầu khí đá phiến sẽ giúp GDP của Mỹ tăng bình quân 4% hàng năm (tương đương 690 tỉ USD Mỹ), đem lại 2,1 triệu việc làm và đóng góp 74 tỉ USD tiền thuế cho ngân sách của Mỹ năm 2012. Dự báo đến năm 2020, ngành công nghiệp này sẽ đem lại cho Mỹ hơn 3 triệu việc làm mới.
      Ghê gớm hơn, nhờ những tiến bộ khoa học kỹ thuật nên chi phí sản xuất dầu khí đá phiến của Mỹ ngày một giảm, giúp sản lượng khai thác ngày càng tăng. Cụ thể, chi phí sản xuất dầu khí đá phiến của Mỹ từ 60 USD/thùng năm 2014 được dự báo sẽ hạ không phanh đến mức chỉ còn trên 12 USD/thùng vào cuối năm 2015. Do đó, giá dầu thô dù có giảm xuống tới 30 USD/thùng thì Mỹ vẫn có lãi trong khai thác. Và khi quốc gia có lượng dầu mỏ dự trữ lớn nhất thế giới không còn trữ hàng mà lại chuyển sang xuất khẩu dầu mỏ thì việc giá dầu khí truyền thống tiếp tục trượt dốc không phanh sẽ còn tiếp diễn ít nhất là trong vòng 1 năm tới.
     Giá nhiên liệu lại tác động rất lớn đến nền kinh tế của mỗi quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển. Khi giá nhiên liệu giảm, dân chúng sẽ là người được hưởng lợi từ cước vận tải, giá lương thực, chi phí sinh hoạt… Mặt khác, quốc gia nào làm chủ công nghệ khai thác dầu khí đá phiến sẽ giữ thế thượng phong về nguồn năng lượng cũng như trên bản đồ địa chính trị thế giới.
         Tùng Dương (Tổng hợp)

2 nhận xét: