30 thg 1, 2015

Thơ NHÃMY_SƯƠNGLAM_LAMNGOC "KHƠI XA"

   Thơ NHÃMY_SƯƠNGLAM_LAMNGOC "KHƠI XA"

        Nhã My vừa cho ra đời tập thơ KHƠI XA tuyển chọn những bài thơ tiêu biểu của mình được sáng tác trong khoảng thời gian xa quê hương đất nước (Thơ do NXB Văn Học ấn hành). Vi không thạo về văn thơ, HDT tôi xin trích lời tựa của nhà văn Nguyễn Khôi trong tập thơ Khơi Xa dưới đây để các cụ, các bạn tham khảo. Mời xem toàn tập "Khơi Xa" trên SlideShare.net theo đường link : http://www.slideshare.net/honglinhha7/th-nha-my-khi-xa  hoặc xem trực tiếp trên blog này ở dưới bài.

                                            
                                                      LỜI TỰA


                “KHƠI XA”
(Nỗi lòng của người con xa xứ)
Đọc thơ Nhã My là đi vào thế giới của một hồn thơ đầy nữ tính để cảm ra cái thực.

Em lạc mấy mùa trăng cố xứ

Hồn đi hoang lữ thứ xa đưa.
Đó là nỗi nhớ quê bên kia bờ đại dương thương nhớ:
Đâu rồi một tiếng gà trưa
Gáy bên hàng dậu lưa thưa bồi hồi.
Sài gòn chợt mưa chợt nắng
Người về chợt nhớ chợt mong
Tôi chợt nhớ hoa dã quỳ lối nhỏ
Khoe sắc vàng óng ả nắng yên lành
Bên trời viễn xứ loay hoay
Mù xa cố lý trắng mây nghìn trùng.

Đó là nỗi hoài niệm tình yêu đầu đời của cái thời mộng mị say sưa mà “xưa em lỡ một lời thề 
/ trăng khuya còn đó bên trời gió đưa”:
Người ở đầu sông ngóng cuối sông
Hẹn nhau mà có được tương phùng
Tóc xanh đã nhuốm màu mây bạc
Và ánh mắt sầu tiếc mông lung.

Em về xé toạc áo đông
Đem xuân đến sớm cho lòng anh say

Người xưa nhớ lối tình xưa
Riêng ta giữ mãi hương thừa xót xa

Rừng cây chết lá bao lần
Đời ta đếm tuổi vô ngần nhớ nhau
Nếu như có tiếc tình đầu
Thì xin tóc bạc đổi màu thanh xuân

Người ơi hoa bưởi hoa cau rụng
Sỏi đá buồn theo bước ngập ngừng
Mười năm chẳng thể dài hơn nữa
Mà ngắn bao nhiêu ước mộng đầu

Ta gói thời gian trong lớp bụi
Đã màu rêu úa lạnh đời nhau.

Cái tình thơ của Nhã My là cái tình đọng lại với thời gian để không thể nào quên được
Bây giờ tóc điểm sương
Em về gom thương nhớ
Yêu nhau ngày một vội
Trăm năm hơn gì không

Lối xưa buồn Vạn Hạnh
Vĩnh Long chiều mưa bay
Bên ai lòng không hẹn
Chăn gối buồn xa xôi
Nghìn câu thơ viết dở
Chữ nghĩa chẳng vơi sầu
Trăm năm đành lỗi hẹn
Riêng em một sầu thôi.
Trùm lên cái “hoài niệm” về cố xứ, về tình xưa: thơ Nhã My suốt một đời thơ là cái đau cái buồn về cái kiếp người (con người Việt Nam đương đại).
Bốn mươi năm cũng là ta
Nước xuôi bèo dạt nguồn xa chưa về
Quê hương biền biệt phương trời
Bâng khuâng một mảnh trăng thề gầy hao.
Mùa tiếp mùa qua người không thấy
Tóc phủ màu sương nhớ bâng khuâng
Nửa vòng trái đất sầu quan ngoại
Ngọn sóng chơi vơi nhớ chập chùng
Khung trời quan ngoại mờ sương khói
Thì trách làm gì nhân ảnh phai
Dài tay đếm cạn tháng ngày
Chén sầu uống cạn, xót trời tha hương
Tàn thu nhặt chiếc lá rơi
Gởi theo gió cuốn mộng đời xa xưa
Trùng dương ngọn sóng xa khơi
Chim bay lặng lẽ bên trời buồn chăng?
***
Chao ôi, xưa nay thơ là người, thơ là tiếng lòng, tiếng con tim… Thơ Nhã My cũng là vậy, nhưng là tiếng con tim thâm trầm, tỏa một hồn thơ lên tới cao xanh:
Non cao xõa tóc mây trời
Cầm bằng có gió thảnh thơi một mình
Trăng treo đêm vắng lặng thinh
Vẫy bàn tay đón một mình chơ vơ.
Để:
Giấc mơ gom mấy cho vừa

Đời người đào thải mấy mùa thương đau.
Về nghệ thuật:
       Nhã My làm thơ thuộc diện “người có tuổi”. Nghệ có nghề: một thứ thơ bàng bạc, lãng đãng và một chút ly tao, của một thoáng “trung niên thi sĩ” Bùi Giáng của một lớp thi nhân đầy nữ tính, để cho tình mãi không phai, sầu muộn mà không bi lụy hồn thơ chân thật tình đời, lỡ tình nhưng không hận tình… tất cả chỉ còn “hoài niệm” những nét vàng phai thương nhớ.
      Thơ Nhã My ngôn ngữ tinh luyện cổ phong với những hình tượng thơ đẹp, thể loại đi với ý thơ luôn mới để tạo ra tứ lạ (mỗi bài mỗi kiểu, một giọng điệu khác nhau) nên đọc không nhàm chán.
Thơ nữ, ở cái tuổi không còn trẻ nữa, mà viết được những câu như “chăn gối buồn xa xôi”,“Chiêm bao tình cũng mong manh / Buồn thu tiếng gió năm canh thở dài” “Nổi chìm trong bóng nguyệt gầy / Tình tôi nỗi nhớ lấp đầy không gian”... thì cũng đáng đọc.
Ở Nhã My, với bạn đọc sẽ thấy “Nàng” là “chiếc áo trắng” với “tà áo mỏng / trắng cả trời ban trưa” của một khơi xa hoài niệm với “Gió lùa trêu khóm lá / Anh nghe hồn đong đưa”… Đó là nữ thi sĩ thả hồn, chắp đôi cánh cho ta bay đến những chân trời viễn mộng.
                                 Góc thành Nam Hà Nội, 27/08/ 2014
                                                    Nguyễn Khôi
                                                (Nhà văn Hà Nội)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét